Giá dầu sẽ vượt 150 USD/thùng?
Báo cáo ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng giá dầu Brent có thể vượt 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm.
Giá dầu WTI ngày 17/6 là 110 USD/thùng, còn dầu Brent là 113,1 USD/thùng, hạ nhiệt so với ngày trước đó nhưng cao hơn đáy giữa tháng 5 khoảng 10%.
Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của J.P.Morgan cũng dự báo giá dầu sẽ tăng cao hơn trong tương lai. “Giá dầu hoàn toàn có khả năng tăng cao trong tương lai trước những bất ổn tại châu Âu. Do đó, ngưỡng 150 USD/thùng sẽ không phải điều gì quá bất ngờ”, ông Marko chia sẻ trong chuyên mục “Fast Money” của CNBC. “Nhưng đây có thể là một giai đoạn tăng giá không bền vững, và cuối cùng, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt”, ông Marko nói thêm.
Chuyên gia Matt Smith, trưởng bộ phận phân tích dầu tại thị trường Mỹ của công ty Kpler, cũng nhận định “giá dầu ở mức ba con số” sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Trang CNN mới đây đề cập đến 3 yếu tố khiến giá dầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Châu Âu cấm nhập khẩu dầu Nga
Ngày 30/5, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất việc cấm vận một phần dầu Nga. "Ủy ban châu Âu giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023 và đây là bước tiến quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể khiến Moscow mất tới 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm. Khi châu Âu cấm dầu Nga, nước này sẽ phải bán sản phẩm giá rẻ cho châu Á. Hiện tại, giá dầu thô urals của Nga bán cho khách châu Á có giá thấp hơn khoảng 34 USD/thùng so với giá dầu Brent tương lai tại thị trường London, Anh.
Chuyên gia Smith cho biết hiện tại, các nước châu Âu vẫn được tiếp tục mua dầu từ Nga, nhưng bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn cung khác. Nhập khẩu dầu thô từ Angola vào châu Âu đã tăng gấp 3 lần kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Con số từ Brazil và Iraq cũng tăng lần lượt 50% và 40%.
Nhà phân tích Roslan Khasawneh thuộc công ty dữ liệu năng lượng Vortexa nhận định việc châu Âu mua dầu từ những nước cách xa về mặt địa lý sẽ khiến giá dầu ở mức cao vì chi phí vận chuyển tăng.
CNN nhận đinh các nước có thể áp dụng một số biện pháp để hạ nhiệt giá dầu nhưng giải pháp hữu hiệu nhất là tăng nguồn cung lại bất khả thi.
Không đủ nguồn cung thay thế
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021, Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu toàn thế giới. Chiến tranh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến sản lượng dầu của Moscow mất gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Trong nửa năm sau của 2022, sự sụt giảm có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày.
Mới đây OPEC+ cam kết bơm thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, tăng 200.000 thùng so với kế hoạch trước đó.
IEA dự báo rằng sản lượng toàn cầu, không bao gồm Nga, sẽ tăng thêm 3 triệu thùng/ngày từ nay đến hết năm và có thể bù đắp lại lượng mất đi do ảnh hưởng của chiến tranh và lệnh trừng phạt.
Ông Smith thì cho rằng dự báo của IEA khó thành hiện thực. Theo nhà phân tích này, OPEC+ đang vất vả để có được sản lượng đề ra. Các thành viên sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia hay Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng ghi nhận mức xuất khẩu dầu trong tháng 5 thấp hơn tháng 4.
Còn theo chuyên gia Giovanni Staunovo đến từ UBS, nhiều thành viên OPEC+ đã hoạt động hết công suất nên việc tăng sản lượng thực tế chỉ có thể bằng một nửa so với mục tiêu.
Nhu cầu dầu cao
Dịch Covid-19 tại Trung Quốc ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu. Khi các biện pháp phong tỏa, hạn chế được nới lỏng, nhu cầu ở quốc gia nhập khẩu nhiều mặt hàng này nhất thế giới, tăng lên có thể đẩy giá dầu lên cao.
Nhu cầu dầu của Mỹ cũng tăng dù giá cao. Một thống kê cho thấy, trong tuần giữa tháng 5, nhu cầu xăng tại các trạm bán lẻ của Mỹ chỉ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này được ghi nhận trong bối cảnh giá bán lẻ xăng bình quân ở Mỹ tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, và ở mức 4,6 USD/gallon vào cuối tháng 5.
Theo Đỗ Lan