Giá dầu quay đầu giảm nhẹ giữa bất ổn từ xung đột Israel-Hamas
Trong khi Israel sản xuất rất ít dầu thô, thị trường lo ngại rằng nếu xung đột với Hamas leo thang, nó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ở Trung Đông rộng lớn hơn.
Giá dầu giảm nhẹ vào đầu ngày 10/10 sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước khi thị trường lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, Reuters đưa tin.
Theo Reuters, dầu thô Brent giảm 18 cent, tương đương 0,2%, xuống 87,97 USD/thùng vào lúc 0h17 giờ GMT (7h17 giờ Việt Nam), trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 16 cent, hay 0,2%, xuống 86,22 USD/thùng.
Cả 2 mức giá chuẩn này đã chốt phiên hôm 9/10 với mức tăng hơn 3,50 USD, tương đương 4,2-4,3%, do tin tức về cuộc xung đột sau khi lao dốc trong giao dịch đầy biến động vào tuần trước đó.
Mức giảm nhẹ vào đầu ngày 10/10 có thể là nhờ điều chỉnh kỹ thuật, tờ Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, giá dầu vẫn có thể sẽ được tiếp đà tăng bởi căng thẳng đang tiếp diễn gay gắt ở Dải Gaza và nguy cơ xung đột leo thang ra khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Hamas hôm 7/10 đã phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ. Giao tranh tiếp tục kéo dài đến đêm hôm 9/10 khi Israel trả đũa bằng một loạt các cuộc không kích vào Gaza.
Cảng Ashkelon ở miền Nam Israel và kho cảng dầu tại đó đã bị đóng cửa sau khi xung đột bùng phát, nguồn tin của Reuters cho biết hôm 9/10.
Xung đột giữa Hamas và Israel làm tăng nguy cơ giá dầu Brent tương lai được giao dịch ở mức 100 USD/thùng trở lên, nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) nói với Wall Street Journal.
Cuộc xung đột mới nhất giữa Israel-Hamas cũng có thể làm chệch hướng những nỗ lực của Mỹ trong việc làm trung gian hòa giải giữa Ả Rập Xê-út và Israel cũng như bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào liên quan vào năm tới như một phần của thỏa thuận, theo Reuters.
Tình trạng hỗn loạn còn có thể khiến Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran, các nhà phân tích nhận định.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết hôm 9/10 rằng Iran bị tình nghi giúp Hamas trong cuộc tấn công kích hoạt làn sóng xung đột lần này, mặc dù Mỹ không có thông tin tình báo hoặc bằng chứng nào chỉ ra sự tham gia trực tiếp của Iran.
Trong một dấu hiệu tích cực hơn về nguồn cung, Venezuela và Mỹ đã ghi nhận tiến triển trong các cuộc đàm phán mà qua đó các lệnh trừng phạt đối với Caracas có thể được giảm nhẹ bằng cách cho phép ít nhất 1 công ty dầu mỏ nước ngoài nữa, bên cạnh Chevron của Mỹ, lấy dầu thô của Venezuela với một số điều kiện, nguồn tin của Reuters cho biết .
Minh Đức (Theo Reuters, WSJ)