Giá dầu không có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường sẽ đi về đâu?
Các chuyên gia dự báo, chỉ khi đạt được đến đỉnh đủ để làm giảm đi nhu cầu sử dụng, giá mặt hàng này mới có thể đi xuống. Điều này đồng nghĩa với việc lạm phát sẽ còn tiếp diễn, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục leo thang.
Trong tuần vừa qua, giá xăng trung bình của Mỹ vượt mốc 5 USD/gallon, mức cao nhất từ trước đến nay. Dầu thô Brent hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 120 USD/thùng và không có dấu hiệu giảm thêm khi Trung Quốc đang trở lại mạnh mẽ sau thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covid-19. Thêm vào đó theo Bộ trưởng Năng lượng UAE, giá dầu hiện nay thậm chí còn chưa đạt đến đỉnh cao.
Ông Gary Ross, quản lý của quỹ đầu cơ Black Gold Investors, nói với Bloomberg vào tuần trước rằng: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến hoàn cảnh này trong sự nghiệp của mình trong hơn 50 năm qua, mức dự trữ dầu mỏ đang ở mức thấp, Trung Quốc hiện đang quay trở lại đường đua và chúng ta đang ở thời kì gián đoạn dầu mỏ trên toàn cầu".
Công suất dự phòng của thế giới bị thu hẹp lại đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi OPEC+ quyết định tăng sản lượng của họ trong tháng 7 và tháng 8 nhằm xoa dịu nỗi lo lắng về tình trạng lạm phát trong năng lượng đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, quyết định "trên giấy tờ" có thể sẽ không bao giờ chuyển thành hành động khi chỉ có một số ít thành viên OPEC+ có năng lực dự phòng đủ để thúc đẩy sản xuất nhằm tăng sản lượng. Theo các nhà phân tích, họ có thể không sẵn sàng khai thác công suất dự phòng của mình vì điều này sẽ làm giảm năng lực sẵn có, khiến các nhà sản xuất trở nên kém linh hoạt hơn trong trường hợp ngừng sản xuất, điển hình là những nơi thường xuyên xảy ra dịch bệnh như Libya.
Trong khi đó, nhu cầu đối với dầu vẫn đang ở mức cao và ngày càng gia tăng mạnh mẽ, cho thấy một tiềm năng đáng lo ngại là giá sẽ còn tiếp tục tăng cao. Các nhà quan sát và phân tích trong ngành dự kiến giá sẽ còn tăng cao đến mức khó tin cho đến khi nhu cầu suy giảm.
Thị trường sẽ đi về đâu?
Bộ trưởng Năng lượng UAE, ông Suhail Al-Mazrouei tuần trước đã cho biết: "Nếu chúng ta tiếp tục tiêu thụ với tốc độ như bây giờ, giá sẽ chưa phải là đỉnh điểm bởi Trung Quốc chưa quay trở lại. Thời gian tới khi Trung Quốc dỡ bỏ những lệnh phong tỏa do Covid-19, thị trường này sẽ quay lại với mức tiêu thụ nhiều hơn".
Trung Quốc được dự báo là sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường, bất chấp những tin tức về đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải. Làn sóng lây nhiễm này đã khiến một khu vực ở Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Hiện chính quyền vẫn đang xem xét tình hình và cân nhắc về việc có cần thiết phải tiếp tục các biện phát phong tỏa hay không, khi đây là một cường quốc kinh tế của châu Á.
Bà Amrita Sen, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Energy Aspects cho biết: :"Hiện tại giá dầu đang ở quanh ngưỡng 120 USD khi Trung Quốc vẫn còn đang phong tỏa, khi quốc gia này quay trở lại thị trường, giá dầu sẽ còn tăng cao hơn. Và kể cả khi giá lên cao, nhu cầu vẫn được duy trì ở mức cao khi mọi người đều muốn đi du lịch, muốn đi ra ngoài".
Cách trợ cấp của một số quốc gia hiện nay để chống lại tình hình giá năng lượng tăng cao đã bị nhiều người chỉ trích bởi vì đã khuyến khích người dân sử dụng nhiều nhiên liệu hơn, điều này cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả, khiến giá luôn duy trì ở mức cao.
Thêm vào đó, thông tin mới nhất về hoạt động sản xuất của OPEC+ cũng không như mong đợi. Một cuộc khảo sát của Platts đã chỉ ra rằng cam kết tăng sản lượng có thể sẽ không thực hiện được khi trong tháng 5, OPEC đã không đạt được mục tiêu sản xuất khi sản lượng ít hơn 2,7 triệu thùng/ngày so với thỏa thuận vào tháng 4. Sản lượng của Nigeria cũng đang ở mức thấp và Libya cũng cho biết họ đã bị giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày do những xung đột gần đây.
Theo các nhà phân tích tại JP Morgan, chỉ có một số ít thành viên OPEC+ có năng lực dự phòng, họ kì vọng mức tăng sản lượng của tổ chức dầu mỏ sẽ là khoảng 160.000 thùng/ngày vào tháng 7 và 170.000 thùng/ngày vào tháng 8. Điều này củng cố thêm triển vọng tồi tệ đối với giá dầu trong mùa hè Bắc bán cầu khi nhu cầu lên cao do việc đi lại tăng.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Saudi Arabia đã cho rằng họ không đầu tư vào hệ thống sản xuất là nguyên nhân dẫn đến tình hình giá dầu như hiện nay. Việc nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động đã góp phần làm trầm trọng hơn việc thiếu nhiên liệu khi nhu cầu tăng mạnh, thêm vào đó các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng không thật sự tác dụng.
Theo Bloomberg, tình hình về nguồn cung ở thời điểm hiện tại đang eo hẹp đến mức cho dù cả Saudi Arabia và UAE đều triển khai công suất dự phòng thì cũng không đủ bù đắp vào lượng cung bị hao hụt từ Nga. Hầu như không có ai dự báo rằng giá dầu sẽ giảm mà ngược lại, ngày càng nhiều nhà phân tích bắt đầu cảnh báo về khả năng suy thoái.
David Sheppard của The Financial Times đã đưa ra trong một bài báo gần đây rằng: "Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nhưng nhu cầu này có vẻ đang đi sai hướng. Những yếu tố này chỉ ra rằng giá dầu sẽ còn tăng cho đến mức rất cao nào đó đủ để làm giảm đi nhu cầu tiêu thụ, có thể là bằng cách gây ra một sự suy giảm kinh tế đủ lớn để cắt giảm nhu cầu, nói cách khác chính là một cuộc suy thoái đối với nhiều nền kinh tế".
Giá dầu được ví sẽ còn nóng hơn cả mùa hè tới đây.
Tham khảo: OilPrice, FT, Bloomberg