Giá dầu giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu
Trong năm nay, giá dầu Brent đã gần đạt tới mức cao nhất mọi thời đại là 147 USD/thùng đạt hồi năm 2008, do tác động từ xung đột Nga - Ukraine.
Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp hơn vào ngày 4/7. Nguyên nhân do các nhà giao dịch lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nhu cầu, lấn át những lo ngại về nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh sản lượng của OPEC giảm, tình hình bất ổn ở Libya và các lệnh trừng phạt đối với Nga , theo hãng tin Reuters.
Giá dầu thô Brent đã giảm 25 cent, tương đương 0,2%, xuống còn 111,38 USD/thùng vào lúc 10h15 GMT (17 giờ 15 phút tại Hà Nội ). Dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 49 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 107,94 USD. Chuyên gia phân tích thị trường Naeem Aslam tại công ty tư vấn AvaTrade cho biết: “Rủi ro đang nghiêng về phía suy giảm, khi các nhà giao dịch lo ngại khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ và các khu vực khác trên thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ chậm lại".
Kết quả cuộc khảo sát của Đại học Michigan công bố gần đây cho biết tâm lý người tiêu dùng Mỹ vào tháng 6 đã rơi xuống mức thấp kỷ lục mới trong bối cảnh lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng, là mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi Đại học Michigan bắt đầu thu thập dữ liệu này từ tháng 11/1952.
Chi phí năng lượng gia tăng do chịu tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy lạm phát ở khu vực 19 nước sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6 vừa qua tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục kể từ năm 1997. Lạm phát cao thúc đẩy khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhanh chóng hơn trong việc nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá cả.
Hoạt động sản xuất dầu tại Ecuador gần đây đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn, cuộc đình công diễn ra tại Na Uy dự báo khiến nguồn cung dầu sụt giảm vào tuần này. Ông Stephen Brennock, chuyên gia phân tích của công ty môi giới dầu mỏ PVM, nhận định trong bối cảnh nguồn cung ngày càng thắt chặt và các nhà sản xuất dầu Trung Đông có thể thiếu hụt năng lực sản xuất dự phòng "Nếu không có sản lượng dầu mới sớm được đưa ra thị trường, giá sẽ bị ép tăng cao hơn".
Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới (G7) gần đây đã đưa ra đề xuất về biện pháp giới hạn giá dầu của Nga, nhằm gây áp lực kinh tế hơn đối với Điện Kremlin trong khi bảo vệ người tiêu dùng trước việc giá năng lượng gia tăng .
Về phần mình, Nga đã cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế giá dầu của nước này có thể sẽ dẫn tới thiệt hại cho thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa cao hơn nữa .
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)