Giá cước vận tải đường biển hạ nhiệt
Thời gian gần đây, giá cước vận tải đường biển giảm đang hỗ trợ tích cực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nếu hai năm ảnh hưởng dịch 2020 - 2021, giá cước vận tải hàng hóa quốc tế leo thang thì từ giữa tháng 7 năm nay, cước vận tải đã "đổi chiều", tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã giảm, không căng thẳng như trước.
Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, giá cước vận chuyển 1 container hàng tuyến xa, như từ Việt Nam đi Canada từng lên đến 26.000 USD. Mức giá này bằng đến 1/3 giá trị container hàng. Do đó, đã có những đơn hàng doanh nghiệp bị tạm dừng do ảnh hưởng cước vận tải cao. Giá cước giảm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, có thêm các đơn hàng.
Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho biết: " Với tuyến dài cước giảm làm chi phí mua hàng của họ cũng giảm nhiều, nên quyết định mua hàng của họ cũng nhanh hơn".
Theo đại lý vận tải, giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu... hiện nay vào khoảng 60 triệu đồng - 100 triệu đồng/container, giảm 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 triệu đồng - 300 triệu đồng/container. Giá cước chặng Việt Nam - Trung Quốc cũng đã giảm từ khoảng 30 triệu đồng - 50 triệu đồng/container xuống còn khoảng 8 triệu đồng -15 triệu đồng/container.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Diamond Star Logistics, nói: "Giá cước giảm cũng giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn trong việc đặt tàu, đặt chỗ máy bay, lưu thông hàng hoá cũng nhanh hơn, giảm thiểu thiếu nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất như giảm được chi phí đầu vào".
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và tình trạng thiếu nhân công ở những cảng lớn. Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Giá cước dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, dự báo: "Thời gian tới, lượng tàu đóng mới cũng tăng lên làm tăng số chỗ trên tàu, do đó, điều này cũng làm cho giá cước hạ xuống".
Dù giá cước giảm nhiều hiện tại, hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10-15%.