Giá các sản phẩm chế biến từ gạo tăng nhẹ
Giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá lúa trong nước cũng neo ở mức cao.
Giá các sản phẩm chế biến từ gạo tăng nhẹ
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 16/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam biến động trái chiều. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm 5 USD/tấn, xuống còn 623 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm lại tăng 5 USD/tấn, lên mức 603 USD/tấn.
Giá bán lẻ gạo trắng thường ở mức 15.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 18.000-20.000 đồng/kg; nếp ruột ở mức 15.000-17.000 đồng/kg; gạo Jasmine thơm 17.000-18.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg.
Theo khảo sát của phóng viên Hà Nội Mới, tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá các loại bún, phở, mì tươi và khô... đã đồng loạt tăng từ 5-10%.
Cụ thể, tại chợ dân sinh Nam Trung Yên, Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… từ hơn một tuần nay, giá bún tươi đã tăng từ 10.000 đồng/kg lên 12.000-13.000 đồng/kg; bánh phở tươi từ 12.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; bánh cuốn từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg…
Mới đây, chị Lê Thị Thanh ở Hà Nội mua một bao gạo ST25 trọng lượng 10kg, thay vì phải trả 260.000 đồng như trước, nay chủ hàng thông báo giá tăng lên 280.000 đồng. Như vậy, một bao gạo tăng thêm 20.000 đồng.
"Chủ hàng nói giá gạo dịp này tăng mạnh. Lô gạo này nhập từ thời điểm mới bắt đầu tăng nên giá chưa điều chỉnh nhiều. Từ những lô sau, chắc chắn giá sẽ cao hơn", chị chia sẻ với Vietnamnet.
Nhà chị Thanh có 7 nhân khẩu, một tháng ăn hết khoảng 20kg gạo. Với mức tăng như hiện nay, chị tốn thêm 40.000 đồng/tháng - mức này không nhiều song "mỗi thứ một ít" nên cũng lo.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức giá cao nhất 12 năm qua
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức giá cao nhất 12 năm qua. Giá lúa cũng tăng mỗi ngày. Số liệu báo cáo thống kê cũng cho thấy, sản lượng xuất khẩu 7 tháng đạt 4,83 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu là 2,58 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng này tăng gần 19%, trị giá tăng gần 30%. Điều đó cho thấy, giá của gạo tương đối cao so với các năm.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Hà Nội Mới , ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nhận định, đối với những doanh nghiệp có sẵn nguồn hàng, chưa ký hợp đồng xuất khẩu thì đây là cơ hội vàng. Những hợp tác xã, nông dân có sẵn nguồn hàng chưa tiêu thụ, đang còn lúa trên ruộng cũng là cơ hội tốt. Ở chiều ngược lại, với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng đầu ra với số lượng lớn sẽ phải chịu sức ép mua hàng với mức giá cao. Vì vậy, Hapro chủ trương phải có sẵn nguồn hàng mới bán để tránh tổn thất kinh tế.
Trước đó, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo, ngày 15/8, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước giai đoạn hiện nay.
Trong đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Giá cả tăng do đang có hiện tượng đẩy giá?
Từ 20/7 trở lại đây, giá gạo trên thị trường thế giới biến động mạnh, lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt, ở vựa lúa gạo ĐBSCL, nhiều nơi đang xảy ra tình trạng thương lái tranh nhau đặt cọc mua lúa non, đẩy giá mặt hàng này tăng từng ngày.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ gạo cho hay đơn vị này mỗi tháng nhập gần 50 tấn gạo phục vụ sản xuất. Song, giá một số mặt hàng gạo đã tăng tới 50% so với cách đây 1 tháng.
Đơn cử, gạo 504 trước đây chỉ 10.000 đồng/kg, nay tăng lên mức 14.000-15.000 đồng/kg; gạo Hàm Châu cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg.
Giá tăng quá nhanh, nhà máy buộc phải giảm công suất, kéo giãn thời gian giao hàng để chờ giá mặt hàng này trên thị trường ổn định, vị giám đốc chia sẻ.
Thông tin trên Vietnamnet, chiều 15/8, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, bộ đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo liên quan đến đảm bảo an ninh lương thực khi đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Cụ thể, với thị trường trong nước, Bộ trưởng cho rằng điều hành cần tránh những cú sốc giá. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.
Ông đề nghị các bên liên quan có thái độ bình tĩnh. Mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, chỉ phân tích một khía cạnh, một phía thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Cũng theo Bộ trưởng, ngày nào ở ĐBSCL cũng xuống giống vì tại đây xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo.
Hiện chỉ khoảng 20% diện tích lúa ĐBSCL nằm trong liên kết, 80% diện tích còn lại nông dân và thương lái mua bán tự do. Trong khi, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài ra, ở nước ta giá lúa gạo còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác như: vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ...
Trước biến động của thị trường thời gian qua, thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường, người đứng đầu ngành nông nghiệp thừa nhận.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có những chia sẻ trên Nhân Dân trong bối cảnh cung-cầu thị trường mất cân đối, doanh nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu gạo được giá nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực trong nước, cung-cầu nội địa để giá gạo tiêu dùng không tăng cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê hợp đồng đã ký kết so với sản lượng gạo còn lại để cân đối cung-cầu, tránh tình trạng giá gạo nội địa tăng cao, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Thực tế, giá một số loại gạo xuất khẩu vẫn thấp hơn giá tiêu thụ trong nước. Ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo theo niên vụ cả năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo.
Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và cơ hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, cũng như mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.
Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch.
Trúc Chi (t/h)