Giá cá tra tăng lên, 27.000 - 28.000 đồng/kg, chi phí bà con nuôi gần 30.000 đồng/kg
Dù giá cá tra đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người nuôi cá cho biết vẫn bị thua lỗ do giá thức ăn tăng liên tục, chưa kể các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao khiến giá thành bị đội lên.
Ông Nguyễn Văn Tỉ (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cho biết giá cá tra thương phẩm được thương lái thu mua vào ngày 12-7 với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Tỉ, do chi phí nuôi cá tra gần 30.000 đồng/kg nên phần lớn người nuôi cá đều không có lời.
Gần 20 năm nuôi cá tra, ông Tỉ cho biết chưa bao giờ giá thức ăn cho cá tăng liên tục như hiện nay. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên 6.000 đồng/kg, chưa kể giá xăng dầu và các loại chi phí khác cũng tăng theo khiến giá thành của con cá tra bị đội lên cao. Đây cũng là lý do mà nhiều người đã thu hẹp quy mô nuôi cá, dù giá cá tra đang đứng ở mức cao so với mọi năm.
"Ngay cả gia đình tôi trước đây thường nuôi 5 hầm cá, nhưng nay chỉ thả nuôi 3 hầm thôi. Vì nếu thả nuôi mới trong giai đoạn này, giá thành sản xuất cá tra thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg nên bán ra phải trên giá này hoặc giá thức ăn phải giảm xuống thì người nuôi cá mới mong có lợi nhuận. Nuôi cá mới vào thời điểm này chắc chắn thua lỗ" - ông Tỉ khẳng định.
Ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết dù giá cá tra thương phẩm đã tăng khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg so với đầu năm nhưng các chi phí đầu vào như giá thức ăn thủy sản, chi phí con giống và nguyên vật liệu... đều tăng mạnh làm giá thành nuôi cá tăng khoảng 30 - 35% so với cùng kỳ.
"Chi phí thức ăn thường chiếm 75 - 80% giá thành của con cá tra. Giá các sản phẩm này tăng liên tục từ đầu năm đến nay gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nuôi cá tra nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Chưa hết, giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20 - 30% khiến giá thành sản xuất cá bị đội lên" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại, nhu cầu đặt hàng mới của các doanh nghiệp Trung Quốc không nhiều nên giá cá tra thương phẩm trong nước đã giảm so với tháng 5-2022. Do đó, tạm thời không nên mở rộng hoặc phát sinh diện tích đào ao mới, không thả nuôi ồ ạt, sản xuất không đúng nhu cầu dẫn đến việc tiêu thụ khó khăn trong thời gian tới.
"Trong bối cảnh giá thức ăn cho cá cũng như các loại nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng mạnh, người nuôi nên tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác nuôi cá tra hoặc liên kết lại thành HTX nuôi cá tra để tổ chức "mua chung, bán chung" thì sẽ rất có lợi về mặt kinh tế khi mua vật tư, nguyên liệu đầu vào và bán cá thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến", ông Dũng khuyến cáo.
Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho hay giá cá tra thương phẩm đã giảm so với vài tháng trước, chỉ còn lại khoảng 28.000 đồng/kg đối với size 0,8 - 1kg/con. Nguyên nhân chính là do từ đầu năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu cá tra rất nhiều cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và thị trường châu Âu.
Đến nay, hàng hóa này thậm chí vẫn còn đang ùn ứ tại các cảng nhập nên các thị trường này bắt đầu giảm nhập khẩu dẫn đến giá cá giảm.
"Nông dân nuôi cá tra dĩ nhiên có chi phí cao hơn so với chúng tôi. Nhưng đúng là giá thức ăn thủy sản tăng liên tục thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nuôi cá" - ông Nghiệp nói.
Bí xanh thơm Bắc Kạn giá cao vẫn không đủ bán; Bà nội trợ gặp khó khi giá trứng tăng cao; Cá tra, heo hơi và nhiều nông sản miền Tây tăng giá; Nhiều loại trái cây vào vụ, giá giảm… là thông tin đáng chú ý hôm nay.