Giá cà phê biến động: Xuất khẩu cà phê có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD?

Chia sẻ Facebook
18/05/2024 03:31:46

Nhu cầu cà phê thế giới tăng trong khi sản lượng cà phê tại nhiều nước giảm mạnh đang đẩy giá cà phê xuất khẩu lên cao.


Giá cà phê trong nước biến động

Giá cà phê trong nước được cập nhật lúc 4h30 phút ngày 17/5/2024 như sau, giá cà phê trong nước giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, mức giảm từ 400 - 500 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 101.300 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 101.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá 101.000 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá 101.400 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 100.400 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay (ngày 17/5) tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 101.400 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 101.500 đồng/kg.

Ảnh minh họa.


Giá cà phê trái chiều nhau trên 2 sàn quốc tế


Theo số liệu trên báo Thanh Niên giá cà phê robusta trên sàn London, kỳ hạn tháng 7 tăng 18 USD lên 3.420 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 20 USD lên 3.356 USD/tấn và kỳ hạn tháng 11 tăng 20 USD lên 3.288 USD/tấn.

Ngược lại, giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục giảm. Cụ thể, kỳ hạn tháng 7 giảm 33 USD xuống 4.365 USD/tấn, tháng 9 giảm 31,9 USD xuống 4.352 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 giảm 31,9 USD xuống 4.334 USD/tấn.

Giá cà phê arabica của Brazil kỳ hạn tháng 7 giảm 44 USD xuống 5.430 USD/tấn, tháng 9 giảm 4,4 USD xuống 5.280 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 lại tăng 1,1 USD lên 5.230 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên tăng nhẹ 500 đồng/kg, tại Đắk Nông và Đắk Lắk 101.100 đồng/kg, Gia Lai 100.700 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 100.500 đồng/kg.

Giá cà phê biến động nhẹ, lượng hàng hóa giao dịch trên 2 sàn quốc tế cũng hạn chế. Nguyên nhân do thị trường tiếp tục thăm dò lẫn nhau giữa người mua và người bán cùng các diễn biến mùa vụ lẫn tài chính.

Một yếu tố tích cực với mùa vụ cà phê là thông tin thời tiết cập nhật cho thấy El Nino cơ bản đã kết thúc và trở về trạng thái trung tính, từ tháng 7 - 8 khả năng chuyển sang La Nina. Trong dài hạn, hiện tượng La Nina - mưa nhiều - sẽ giúp các vùng trồng cà phê trên thế giới đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, tình hình lại khác vì cây cà phê vẫn bị cạnh tranh quyết liệt với những cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt sầu riêng và hồ tiêu. Với mức giá hiện tại, nông dân sẽ không bỏ cà phê nhưng cũng không mở rộng diện tích và thậm chí có thể sẽ trồng xen thêm cây sầu riêng.


Những tín hiệu tích cực 4 tháng đầu năm 2024

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 737.797 tấn cà phê với tổng kim ngạch cao kỷ lục 2,5 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng tới 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời tiết có thể khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 của Việt Nam giảm 10%. Vùng Tây Nguyên đã có lượng mưa tăng trong tuần đầu tiên của tháng 5, điều này rất cần thiết sau tháng 4 khô hạn hơn bình thường. Theo truyền thống, mùa mưa ở Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài đến khoảng tháng 10 hàng năm. Mặc dù vậy, lượng mưa trong tháng 5 dự kiến vẫn sẽ thấp hơn mức trung bình và điều này đang được những người tham gia thị trường theo dõi chặt chẽ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo trong nhiều ngày tới, khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều và tối, cục bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mùa mưa chính thức bắt đầu ở khu vực này, chấm dứt một trong những mùa khô khốc liệt nhất lịch sử.


Thông tin trên Công Thương tuy nhiên, áp lực giảm phần nào được kìm hãm khi các ước tính sơ bộ cho thấy nguồn cung cà phê trong nước hiện chỉ còn rất ít, khoảng 300.000 - 400.000 tấn. Điển hình, xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2024 của Việt Nam chỉ đạt hơn 152.000 tấn, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và xác lập tháng giảm thứ 3 liên tiếp.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá cà phê thế giới trong các tháng còn lại của quý 2/2024 sẽ vẫn duy trì ở mức cao do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là cà phê Robusta từ việt Nam.

Trong tháng 4, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 3.768 USD/tấn, tăng 6% so với tháng trước và tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu tăng 49,1% lên mức bình quân 3.389 USD/tấn.

Các chuyên gia ngành hàng cũng nhận định, mặc dù giá cà phê khó có thể quay về mức đỉnh như hồi cuối tháng 4/2024 nhưng mặt bằng giá trên thị trường sẽ ở mức cao hơn so với thông thường trước đây.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường cà phê trong thời gian gần đây.

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), sự sụt giảm này chủ yếu là do sự phục hồi của tồn kho trên sàn ICE; chốt lời trên thị trường giấy (vị thế mua ròng của thị trường châu Âu trên sàn ICE đã giảm 5.042 lô trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 23/4); và đồng USD mạnh lên thúc đẩy hoạt động bán ra.

Giá cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu thương mại được ICO công bố cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 3 toàn cầu tiếp tục tăng 8,1% so với cùng kỳ lên gần 13 triệu bao. Lũy kế trong 6 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm nay) xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 10,4% lên 69,2 triệu bao.

Trong những ngày đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng cao là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.

Việt Nam có đến 1 triệu hộ tham gia sản xuất trên 660.000 ha cà phê nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc. Nhiều năm qua, Việt Nam đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cà phê Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo yêu cầu trong nước và thế giới.

Theo ông Tùng, giải pháp sắp tới không chỉ là vấn đề kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, hay tăng cường chế biến. "Giải pháp phải đưa ra cần giúp người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia; thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê", ông Tùng cho biết.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo năm 2024 xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay giá cà phê đang tăng mạnh, nên dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Vicofa dự kiến xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỉ USD trong năm 2024.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook