Giá cả ở 5 địa phương đắt đỏ nhất cả nước tăng giảm ra sao trong 9 tháng đầu năm?

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 08:11:55

Theo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) 2021, Hà Nội là địa phương giữ vị trí “quán quân” về mức độ đắt đỏ nhất cả nước. Xếp sau Hà Nội về mức độ đắt đỏ lần lượt các tỉnh, thành gồm Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Vậy giá cả ở 5 địa phương này đã thay đổi ra sao trong 9 tháng đầu năm?


Hà Nội

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mới đây của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 của Hà Nội tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 4,24% so với tháng 12/2021 và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm giao thông tăng 14,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,77%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,25%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,8%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2%.

Có 2/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 0,36%; giáo dục giảm 0,13%.


Quảng Ninh

Theo Cục Thống kê Quảng Ninh, bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI của tỉnh tăng 3,16% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm giao thông tăng 13,67%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,9%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,72%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,71%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43%.

Ở chiều ngược lại, có 2/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 0,21%; giáo dục giảm 2,88%.


TP. HCM

Theo Cục Thống kê TP. HCM, sau khi giảm ở tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng trở lại, với mức tăng đạt 0,3% so với tháng 8/2022. So với cùng kỳ, CPI TP. HCM tháng 9 tăng 2,8% với 11/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 7,22%.

Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI của TP.HCM tăng 2,18% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm giao thông tăng 15,5%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,19%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,22%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,78%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,11%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,56%.

Ở chiều ngược lại, có 3/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 1,21%; giáo dục giảm 2,9%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,4%.


Đà Nẵng

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Đà Nẵng chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố trong tháng 9/2022 tăng 0,77% so tháng trước, tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 7,63% so với tháng 12 năm 2021. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 5,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, mức tăng này cao hơn mức tăng bình quân cùng kỳ năm 2021. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, những nhóm hàng có mức tăng cao hơn so với mức tăng chung bao gồm: giao thông (+17,66%); đồ uống và thuốc lá (+6,60%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+4,00%); may mặc, mũ nón và giày dép (+3,58%).

Bên cạnh đó, nhóm hàng có mức tăng thấp hơn so với mức tăng chung gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,91%); hàng hóa và dịch vụ khác (+2,55%); văn hóa, giải trí và du lịch (+2,08%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,64%). Ngoài ra, có 3 nhóm hàng giảm giá so với bình quân cùng kỳ gồm: bưu chính, viễn thông (-2,35%); giáo dục (-0,83%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-0,98%).


Hải Phòng

Theo Cục Thống kê Hải Phòng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 giảm 0,13% so với tháng trước, tăng 4,02% so với tháng 12/2021 và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 3/2022 CPI tăng 4,34%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, CPI Hải Phòng tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,9% của 9 tháng năm 2021. Theo Cục Thống kê Hải Phòng, một số nguyên nhân làm tăng CPI 9 tháng đầu năm 2022 phải kể đến như: Ăn uống ngoài gia đình tăng 6,21%, làm CPI chung tăng 0,54%; Giá thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,96%, làm CPI chung tăng 0,39.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 25 đợt, làm cho giá xăng dầu tăng 38,38%, tác động CPI chung tăng 1,32 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng 18,17%. Ngoài ra, dịch vụ du lịch tăng 5,59% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.

Ở chiều người lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI 9 tháng đầu năm 2022 gồm: giá một số mặt hàng thực phẩm giảm như thịt lợn giảm 19,85%; thịt chế biến giảm 2,16; mỡ động vật giảm 22,55%...

Chia sẻ Facebook