Giá cả chưa phả hơi nóng vào CPI

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 12:53:59

Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê ngày 29-6, chỉ tăng khoảng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đà tăng giá liên tục của xăng dầu và nhiều loại hàng hóa thiết yếu đang phả 'hơi nóng' vào cuộc sống số đông người dân.

Bà Kim Thư (tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết gạo cũng tăng giá theo xăng, đặc biệt là các loại gạo ngon như ST, gạo thơm... - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Quản lý giá, Tổng cục Thống kê - thừa nhận áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm rất lớn. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất nên sẽ tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm hàng hóa bị đẩy lên cao.

Ngoài ra, khả năng giá lương thực thực phẩm tăng trở lại khi dịch được kiểm soát, nhu cầu người dân tăng lên cũng gây áp lực không nhỏ với lạm phát.

Dù Việt Nam chủ động được nguồn thực phẩm nhưng thế giới đang có nguy cơ khủng hoảng lương thực, thực phẩm nên sẽ tác động tới giá cả trong nước. Giá lương thực, thực phẩm chiếm 28% quyền số trong rổ hàng hóa CPI, nên nếu tăng giá sẽ làm CPI tăng mạnh.

Chưa hết, theo bà Oanh, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, với các gói hỗ trợ phục hồi đang thẩm thấu vào nền kinh tế, sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế theo lộ trình trong những tháng cuối năm cũng sẽ tác động tới CPI...


Trao đổi với Tuổi Trẻ , TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - chia sẻ: "Con số của Tổng cục Thống kê chúng ta tạm tin vì cập nhật con số của tổng cục như chính cơ quan này từng giải thích bao giờ cũng có độ trễ so với thời điểm tính toán, công bố, nhất là câu chuyện liên quan tới giá cả".

Trong thực tế, lạm phát trong nước chưa phản ánh hết biến động giá trong nước.


"6 tháng cuối năm tiềm ẩn rủi ro lớn về lạm phát", TS Việt cảnh báo và cho rằng "ưu tiên cao nhất lúc này là kiểm soát lạm phát dưới 4% để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô".

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, riêng trong quý 2 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng GDP quý 2 cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011 đến nay, và kết quả tăng trưởng nhờ vào động lực một số ngành dịch vụ, đặc biệt ngành dịch vụ thị trường hồi phục.

Nếu không có biến động lớn, nền kinh tế hoàn toàn đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% đã đề ra.

Chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội tăng cao là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2021 tăng 0,33% so với tháng trước, và tăng 2,51% so với bình quân 8 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ Facebook