Giá bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận ra sao trong 6 tháng cuối năm?

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 13:21:10

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận có nhiều đợt tăng giá do khan hiếm nguồn cung, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, sốt đất diễn ra "nhanh chóng" ở một số địa phương… nhưng thị trường cuối năm ra sao?

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP.HCM và các vùng phụ cận có 3.124 căn nhà phố, biệt thự từ 29 dự án được chào bán - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sáng 7-7, DKRA Việt Nam công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm với chủ đề "Giá giảm?".

DKRA Việt Nam nhận định thị trường đã hình thành nghịch lý về giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp (mua đi bán lại). Cụ thể, giá bán sơ cấp tăng mạnh, nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới trong khi giá bán thứ cấp sụt giảm cục bộ.

Tại TP.HCM, một số khu vực tăng giá mạnh do khan hiếm nguồn cung mới bởi tác động của việc thanh kiểm tra các dự án cũng như quy trình, thủ tục pháp lý, cấp phép dự án kéo dài.

Đối với thị trường thứ cấp, DKRA Việt Nam cho rằng giá bán sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm thanh khoản thấp, mang tính đầu cơ…

Ngoài ra, tình trạng "sốt đất ảo" đẩy giá bất động sản tăng - giảm với biên độ lớn ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng làm giá bất động sản ở các khu vực này sụt giảm mạnh, thị trường gần như mất thanh khoản sau khi cơn sốt đi qua.

Dự báo, trong thời gian tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào tiếp tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư còn rất lớn. Do đó, giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng giá bất động sản trên thị trường sơ cấp, cũng như duy trì giá bán thứ cấp ở mức ổn định được DKRA Việt Nam đưa ra là cần chú trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức phù hợp.

Đồng thời, việc tích cực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để rút ngắn thời gian cấp phép dự án, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cung. Ngoài ra, việc tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa thông tin quy hoạch, thông tin thị trường... sẽ hạn chế xảy ra tình trạng "sốt đất ảo".

Đối với thị trường 6 tháng đầu năm của phân khúc đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận, ông Võ Hồng Thắng - trưởng phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Việt Nam - cho biết có khoảng 30 dự án với nguồn cung 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới ở phân khúc này khi "không ghi nhận nguồn cung mới".

Còn đối với phân khúc căn hộ, nửa đầu năm có 38 dự án mở bán mới với khoảng 16.800 căn, tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng TP.HCM duy trì vị trí dẫn đầu khi chiếm 75,6% nguồn cung và gần 80% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Tuy vậy, nguồn cung tập trung chủ yếu tại khu Đông, thuộc một dự án tại TP Thủ Đức và phân khúc hạng A.


"Những căn hộ dưới 35 triệu đồng/m² gần như đã mất tích ở TP.HCM, rất khó để ghi nhận căn hộ dưới 40 triệu đồng/m² và mức giá này sẽ kéo dài trong tương lai", ông Thắng nói.

Với phân khúc nhà phố, biệt thự, thị trường đón nhận 3.124 căn nhà phố, biệt thự từ 29 dự án. Theo ông Thắng, giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá lên đến gần 700 tỉ đồng căn, còn Đồng Nai ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỉ đồng/căn.

Liên quan đến thị trường 6 tháng cuối năm, DKRA Việt Nam đánh giá ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tại TP.HCM có thể sụt giảm, đạt khoảng 70% nguồn cung 6 tháng đầu năm. Sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nếu việc kiểm soát tín dụng bất động sản vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Theo DKRA Việt Nam, dưới áp lực chi phí, đặc biệt nguyên vật liệu, mặt bằng giá sơ cấp có thể sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp không có nhiều biến động trong 6 tháng cuối năm.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng thị trường địa ốc có thể rơi vào đình trệ trong 6 tháng cuối năm khi tín dụng ngân hàng và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp đều bị siết lại.

Chia sẻ Facebook