Ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, ngành đường sắt vẫn chưa hết lo
Vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên theo các chuyên gia, ngành đường sắt vẫn chưa hết lo.
Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn lãi kỷ lục
Theo Kinh tế & Đô thị , Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) mới đây đã công bố báo cao tài chính quý III/2023 với mức lãi cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, trong quý này, đường sắt Hà Nội ghi nhận 637 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn doanh thu, qua đó lợi nhuận gộp tăng 40% lên gần 110 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 12% cùng kỳ lên 17%.
Các khoản chi phí đã được tiết giảm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) giảm 5% còn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng khoảng 37 tỷ đồng, giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng, giảm 3%.
Kết quả, vận tải đường sắt Hà Nội lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Lũy kế 9 tháng năm 2023, đường sắt Hà Nội đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.517 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 500 triệu đồng. Sau 9 tháng, HRT thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự, theo áo cáo tài chính quý III của Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) thì doanh thu thuần đạt hơn 440 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp tăng 129% lên 43 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SRT ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (600 triệu đồng).
Theo SRT, 9 tháng năm nay, nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch nước ngoài tăng cao, đặc biệt trong Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp Hè 2023. Do đó, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hóa của công ty có bước tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, ngành đường sắt từng trải qua giai đoạn 2017 - 2022 rất khó khăn do hệ thống kinh doanh cũ như kết cấu hạ tầng lạc hậu, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ… Cùng với đó là tác động lớn của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng và cạnh tranh giá cước với các loại hình vận tải khác. Thời gian gần đây, ngành đường sắt đã có những đổi mới đáng ghi nhận.
Trao đổi với báo Lao Động , đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đơn vị đã nâng cấp, sửa chữa tàu SE19/SE20 Hà Nội đi Đà Nẵng. Tàu được sơn mới, đầu tư trang thiết bị nội thất để nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm, khu vực rửa tay… Các toa xe chở khách được lắp đặt mới bình nước nóng, thiết bị vệ sinh sứ ở khoang rửa mặt và buồng vệ sinh.
Tàu được sửa chữa mới nhưng giá vẫn giữ nguyên như trước. Cụ thể, giá vé đầu tuần cao nhất 943.000 đồng, giá vé cuối tuần cao nhất 1.046.000 đồng. Tàu SE20 giá vé cao nhất 854.000 đồng. "Việc nâng cấp tàu SE19/SE20 nhằm thu hút khách đi đường sắt cạnh tranh với đường hàng không và đường bộ. Theo đó, công ty đã nhận nhiều phản hồi tích cực. Lượng khách ổn định hơn 200 khách mỗi ngày", đại diện Tổng Công ty đường sắt chia sẻ.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước
Mặc dù ngành đường sắt có sự khởi sắc nhưng nội tại ngành này vẫn còn khó khăn. Một thời gian dài, các công ty đường sắt làm ăn bết bát nên chưa thể phục hồi phát triển như giai đoạn trước Covid-19.
Theo Kinh tế & Đô thị , dù ghi nhận mức lãi kỷ lục vào quý III, song bức tranh chung về tình hình tài chính của đường sắt Sài Gòn vẫn chưa sáng sủa. Tính đến 30/9, SRT còn lỗ lũy kế gần 312 tỷ đồng, kết quả của 9 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong giai đoạn dịch bệnh (2020 - 2022). Tổng tài sản tính tới cuối tháng 9 của SRT là hơn 1.080 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, nợ phải trả gần 900 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm.
Ngoài những khó khăn do “lịch sử để lại” thì sự biến động về giá nhiên liệu trên thị trường được cho là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực vận tải, trong đó có đường sắt.
Các chuyên gia nhận định, với tình hình hiện tại, sẽ cần thêm một thời gian nữa để ngành đường sắt có thể thực sự bước ra khỏi cảnh nợ nần. Trong đó, điều kiện quan trọng nhất để đường sắt trở lại chính là kiên định chiến lược kinh doanh đang thực hiện, đó là nâng cấp chất lượng dịch vụ.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đường sắt làm ăn có lãi trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực nhưng so với bức tranh chung của toàn ngành trong những năm gần đây, con số lãi này vẫn còn rất nhỏ bé.
“Con đường phía trước của ngành đường sắt vẫn còn dài”, PGS.TS Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành đường sắt phải tiếp tục kiên định với chiến lược kinh doanh mình đã chọn. Đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Đây rõ ràng là hướng đi không thể khác của ngành đường sắt. Muốn kinh doanh có lãi thì phải thu hút được nhiều hành khách hơn nữa, mà muốn hành khách đến với mình thì đường sắt phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tự làm mới chính mình”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Cùng bàn luận về vấn đề này, GS.TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng các công ty đường sắt cần tăng cường nâng cao cơ sở vật chất đến chất lượng phục vụ để hấp dẫn, cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.
Thời gian tới, bên cạnh việc dành nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt, Nhà nước cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đường sắt một cách triệt để hơn. Lần tái cơ cấu này, ngành đường sắt có thể nghĩ tới việc thành lập công ty vận tải hàng hóa riêng.
Bên cạnh đó, công ty đường sắt nên bổ sung một số ngành nghề mới, mở đường để cho thuê kho bãi, mặt bằng của các nhà ga, sau đó cải tạo, nâng cấp nhà ga kết hợp thương mại tại các trung tâm thành phố, thị xã lớn.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đạt được kết quả doanh thu tăng trưởng là nhờ vào vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ, nhất là cao điểm vận tải Tết vào quý 1 và vận tải Hè vào quý 3.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu VNR, xây dựng và triển khai ứng dụng có hiệu quả các phần mềm vào sản xuất kinh doanh, triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách. Với việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ thực hiện triển khai chính sách giá vé linh hoạt và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour Hà Nội - Hải Phòng; tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)… đã được khách hàng đón nhận. Các chuyên gia đánh giá, với hàng loạt giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian qua, ngành đường sắt sẽ sớm trở “kéo” được hành khách về với mình.
"Mặc dù đường sắt ghi nhận tăng trưởng, nhưng con số doanh thu, lợi nhuận này chưa phản ánh kết quả cuối cùng của cả năm. Bởi đặc thù vận tải đường sắt các chi phí lớn sẽ tập trung vào quý 4 như sửa chữa phương tiện, chi trả lương và các chi phí khác. Theo quy luật kết thúc năm, lợi nhuận của ngành đường sắt sẽ giảm mạnh", Chủ tịch HĐTV VNR Đặng Sỹ Mạnh lưu ý.
Minh Hoa (t/h)