Ghế nhựa, bàn, chiếu... lại rải kín vỉa hè hồ Tây để bán hàng, 'cấm' phóng viên chụp ảnh
Sau những đợt ra quân rầm rộ lấy lại vỉa hè, ghế đá cho người dân, đến nay tình trạng chiếm dụng ghế đá, vỉa hè công cộng tại khu vực ven hồ Tây (Hà Nội) để kinh doanh, bán hàng... lại diễn ra ngang nhiên hơn.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều 25-6, tại vỉa hè dọc đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) ghế nhựa của những người bán nước được bày kín, một số nơi còn bày bàn, ghế nhựa ngay trước ghế đá công cộng để "xí chỗ".
Đáng chú ý, tại khu vỉa hè được trồng cây cỏ, hoa... dọc đường Thanh Niên, nhiều hàng nước còn bày ghế, trải chiếu lên cỏ để cho "khách" ngồi, dẫm đạp, xả rác lên mặt cỏ.
Khi nhận thấy phóng viên đang chụp ảnh hành vi trải ghế nhựa ra vỉa hè để bán hàng, một người phụ nữ liền lao tới và "cấm" không được chụp ảnh. Người này nói: "Em chụp ảnh ghế để làm gì, không được chụp".
Người phụ nữ "cấm" phóng viên Tuổi Trẻ không được chụp ảnh dãy ghế của mình trải dọc vỉa hè Hồ Tây - Video: PHẠM TUẤN
Ngoài khu vực đường Thanh Niên, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại một quán trà chanh trên phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), ghế nhựa, bàn cũng ken kín vỉa hè, chiếm hết lối đi của người đi bộ.
Trời càng về tối, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh càng diễn ra rầm rộ hơn.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tối 25-6, tại đường Trích Sài, một cửa hàng hải sản còn trải chiếu và bàn bệt ngay vỉa hè dọc hồ Tây để đón và phục vụ khách.
Tại đường khu vực đường Vệ Hồ (đoạn gần khu hai con rồng), một hàng bán đồ ăn vặt đã biến vỉa hè hồ Tây thành "bãi biển", khi bàn ghế ken kín, người ken người, phục vụ hàng trăm khách cùng lúc.
Ngang nhiên hơn, tối 25-6, một "quán nước" đã mọc ngay trên du thuyền bỏ hoang (đoạn qua phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân). Theo đó, một hộ kinh doanh đã tận dụng hành lang của du thuyền này để làm nơi bán nước. Người dân muốn vào "quán" này thì chỉ cần trèo qua lan can hồ Tây, bước qua chiếc cầu tạm là tới.
Tại dọc hai ven đường quanh hồ Tây đoạn gần Thung lũng hoa, vỉa hè ở đây đã hẹp, nay lại còn bị lấn chiếm bởi bàn ghế của các hàng nước.
Đặc biệt, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , thời điểm tối 25-6 khu vực này có sự xuất hiện xe của lực lượng chức năng, trên xe có công an, tuy nhiên các hàng quán vẫn thản nhiên hoạt động.
Nhiều người dân đã bị "đe dọa"
Bạn Nguyễn Hạnh Nguyên (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết thường hay ra hồ Tây hóng mát, đi dạo vào dịp cuối tuần, tuy nhiên từ khi bị những người bán nước dọc hồ Tây đe dọa, bản thân cô cảm thấy rất e dè.
"Một lần mình cùng bạn ghé vào một ghế đá dọc hồ Tây để nói chuyện, hóng gió, trước ghế đá có một chiếc ghế nhựa đã đặt sẵn. Khi mình ngồi vào ghế đá thì có một người phụ nữ tới hỏi mình có uống nước không, sau khi mình không mua nước thì liền bị người này đuổi đi và nói phải mua nước mới được ngồi. Khi mình hỏi tại sao chỗ công cộng mà lại như thế thì còn bị người phụ nữ này dọa đánh, nên chúng mình buộc phải rời đi", Nguyên nói.
Anh Nguyễn Quốc Khánh (Hà Nội) nói: "Mình rất hay chạy bộ tại hồ Tây, tuy nhiên giờ vỉa hè gần như bị lấn chiếm bởi ghế nhựa của các gánh hàng rong, không còn không gian cho người đi bộ, tập thể dục, mà chạy ra lòng đường lại cực nguy hiểm. Nhưng không hiểu sao các hàng quán vẫn được ngang nhiên hoạt động trái phép như thế", anh Khánh thắc mắc.
Liên quan tới sự việc kể trên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 26-6, một lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho hay sẽ cho lực lượng công an kiểm tra và chấn chỉnh ngay tình trạng trên.
"Lực lượng công an đi kiểm tra thường xuyên dọc các tuyến phố mà phường quản lý, chắc mấy hôm nay đang dồn quân để bảo vệ tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn nên không sát sao được. Chúng tôi sẽ cho lực lượng công an kiểm tra ngay", vị lãnh đạo trên nói.
Ngay khi thông tin "cây cô đơn" tại ven hồ Tây (đoạn gần phủ Tây Hồ, phường Quảng An) bị chặt, cộng đồng mạng tại Hà Nội đã bày tỏ sự phẫn nộ vì địa điểm này gắn với nhiều kỷ niệm, cũng như là nơi chụp ảnh yêu thích của các bạn trẻ.