Ghé khu rừng Ấn Độ thăm loài sóc sặc sỡ nhất hành tinh: lòe loẹt như tranh vẽ
Tên khoa học của những con sóc đặc biệt này là Ratufa indica. Chúng thuộc loài thú hoạt động vào ban ngày, sống trên cây, ăn thực vật, trứng chim, và côn trùng.
Nếu có dịp dạo chơi trong các khu rừng thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ, bạn rất dễ bắt gặp một loài sóc có kích thước khổng lồ.
Chúng dài tới gần 1m, sở hữu bộ lông đủ màu cam, đen, xanh, nâu và cái đuôi bông cực kỳ bắt mắt.
Bộ lông lòe loẹt như được vẽ
Ngoài cái tên phổ biến trên thế giới là sóc khổng lồ Malabar, Ratufa indica còn có tên Ấn Độ là "Shekru" , tức "người đẹp lộng lẫy".
So với sóc bình thường chỉ dài khoảng 18cm thì Shekru cực kỳ to lớn. Con vật đầy màu sắc này nặng từ 1,5 đến 2kg, có đôi tai gần giống của gấu trúc và chúng có bàn chân to và móng vuốt khỏe để leo trèo. Điều ngạc nhiên là chúng có thể dài tới 1 mét, gấp đôi chiều dài của các dòng sóc anh em ở Mỹ, và cả loài sóc xám Sciurus carolinensis. Chúng lớn đến mức đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao danh hiệu loài sóc lớn nhất thế giới. Không chỉ thế, chúng còn là loài đặc hữu của bang Maharashtra.
Tuy nhiên, cái bắt mắt hơn cả ở sóc Malabar không nằm ở kích cỡ mà nằm ở bộ lông cơ. Trong khi những loài sóc khác chỉ có màu sắc đơn điệu hoặc sọc, Shekru lại hết sức xứng với cái danh "sặc sỡ bậc nhất" của nó.
Mặc dù phần bụng và cánh tay của sóc khổng lồ Ấn Độ có màu kem, nhưng phần còn lại của bộ lông thì lạ mắt hơn một chút, với các tông màu cam, tím nhạt và đỏ nâu, vì diện mạo này nên đó là lý do tại sao chúng có biệt danh là “sóc cầu vồng”.
Nếu nhìn ngắm một Shekru trong tự nhiên, bạn sẽ phải thắc mắc liệu mớ lông đủ màu trên mình nó có phải là... tự nhiên không? Thật kỳ lạ là bộ lông của chúng lại loang lổ hệt như được vẽ lên vậy. Vừa có khoảng màu đen lại thêm vài khoảng màu cam, màu xanh dương thì cực đậm, kèm cả màu nâu đỏ nữa.
Tự giả làm đốm nắng dưới tán lá
Cái đuôi của Shekru thì còn độc lạ hơn. Nó cực dài, bông, lóa mắt và linh hoạt, thường được sử dụng như công cụ giữ thăng bằng khi chúng di chuyển trên cành cây.
Theo các nhà nghiên cứu, Shekru có bộ lông hoa hoét như vậy cũng bởi vì nó là loài kiếm ăn vào ban ngày . Vốn dĩ, tập tính của sóc Malabar là núp dưới tán lá trong ánh nắng chói chang của Ấn Độ mà gặm nhấm vỏ cây, hạt quả hay côn trùng, trứng chim. Chúng không cần phải lo lắng về những kẻ săn mồi dưới mặt đất, nhưng vẫn phải đề phòng đại bàng bay lượn trên cao.
Nếu nhận ra mình đang bị một con đại bàng trên cao "tia" thấy, Shekru sẽ lao vụt xuống nhánh cây dưới thấp, làm như nó chỉ là một đốm nắng lấp lóa vừa tan biến. Quả thật, với bộ lông rạng ngời như thế dưới ánh mặt trời gay gắt, nó hoàn toàn có thể đánh lừa cặp mắt của kẻ thù trên đang bay lượn trên tầng không. Chúng vẫn bình tĩnh và im lặng; chúng nằm dạng chân ra và bám chặt vào cành cây để tránh bị phát hiện.
Vượt qua nguy cơ tuyệt chủng và phát triển mạnh mẽ
Nếu muốn tận mắt chiêm ngưỡng một con sóc khổng lồ Malabar giữa thiên nhiên, bạn hãy đến Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Bhimashankar của Maharashtra. Khu bảo tồn được quy hoạch từ thập niên 1980, và trở thành ngôi nhà chung an toàn bậc nhất cho loài Shekru kể từ đó.
Trước đấy, sóc Ấn Độ từng bị xếp vào danh sách những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhưng từ năm 2015, chúng đã có dấu hiệu phục hồi. Tới năm 2016, dân số loài sóc này đã tăng khoảng 8% chỉ sau 1 năm.
Theo số liệu khảo sát của các nhà bảo tồn Bhimashankar, vào năm 2016, họ thống kê được 2145 tổ sóc Malabar. Sang năm 2017, con số đã tăng lên đến 22.000 tổ. Song số lượng tổ không trùng với số lượng Shekru, bởi mỗi con sóc khổng lồ này có thể làm tới 8 cái tổ.
Dẫu vậy, sự gia tăng của sóc Malabar vẫn là sự thật hiển hiện. Giờ đây, nếu dạo chơi trong vùng núi Ghat Tây của Bhimashankar mà nghe tiếng gặm nhấm trên cao, thể nào khi ngước mắt nhìn lên du khách cũng thấy một Shekru đẹp như những đốm nắng rạng rỡ đang dùng bữa giữa tán lá.