Gen Z ''vỡ mộng'' sau 1 năm đi làm: Vẫn phải xin tiền mẹ vì lương không bằng bác lao công
Ai cũng từng vẽ ra sơ đồ của cuộc đời, tưởng tượng về môi trường công sở tuyệt vời giúp ta phát triển hết tài năng. Nhưng đến khi bước vào thực tế thì hóa ra chỉ là mộng ảo hão huyền.
Thế hệ Gen Z nghĩ gì về định hướng nghề nghiệp tương lai?
Nhắc đến thế hệ Gen Z là nhắc đến sự đổi mới trong cả cách làm việc, tác phong và tư duy. Tư duy Gen Z cho là không đi theo lối mòn của đàn anh, đàn chị; không thích ngồi cả ngày trong văn phòng; ăn mặc phải chỉnh tề, chỉn chu…
Song, có lẽ đó cũng chỉ là khuôn mẫu mà người đời đang áp đặt lên thế hệ trẻ còn thực tế chưa chắc đã có sự đột phá như vậy. Gen Z cũng phải thích nghi theo từng môi trường sống vì xưa nay nhập gia luôn phải tùy tục.
Khi còn là sinh viên, ai cũng từng đôi lần mơ về môi trường làm việc đầy màu hồng như trên phim: Công ty hoành tráng, văn phòng đẹp, sếp đẹp trai, đồng nghiệp tốt bụng, lương cao, chế độ đãi ngộ tốt... Thỉnh thoảng được hít hà vài drama công sở thế là đã quá đủ cho một ngày đi làm thú vị.
Song, cho đến khi chính thức bước vào cuộc sống của người đi làm thì chỉ cần một năm thôi, cuộc đời như cơn bão đã đánh bay mọi ảo tưởng trước đó, khiến Gen Z như được ‘’sáng mắt’’ và rút ra được biết bao chân lý bất di bất dịch.
Câu chuyện của một Gen Z khi bước qua cánh cửa đại học
Cùng lắng nghe tâm sự của một bạn độc giả dấu tên gửi đến Phunutoday.vn: "Hai tháng thử việc, tôi đã quá quen với việc mỗi sáng đến cơ quan cầm cốc nước của mọi người đi rửa mà gương mặt luôn luôn phải mỉm cười. Sau đó, pha một ấm trà nóng ở bàn sinh hoạt chung, nếu có rác thì tiện tay đi đổ. Sau này khi được ký hợp đồng chính thức, các mối quan hệ cũng thân hơn một chút, tuy không cần đi rửa cốc cho từng người nữa nhưng vài việc lặt vặt tôi vẫn phải tự giác làm.
Có anh trưởng ban đã làm ở công ty 20 năm nhưng đến giờ vẫn chưa có bằng đại học vì trượt môn thể dục. Song, anh vẫn được trọng dụng, vẫn được thăng chức bởi kinh nghiệm mà anh tích lũy được bấy lâu nay đâu có trường lớp nào dạy được. Còn tôi, tấm bằng đại học đỏ chót với hàng chữ ngay ngắn ''tốt nghiệp loại giỏi'' cũng chỉ là nhân viên quèn đi pha nước, đổ rác.
Sếp tôi rất hay đi nhậu, thường xuyên vắng mặt ở cơ quan, tôi chẳng hiểu sao ông ấy lại được làm sếp. Cho đến một ngày, tôi đã đặt câu hỏi này với chị đồng nghiệp và chị ấy nói: Sếp đi nhậu cũng là đi làm việc, nhậu là một kỹ năng mềm mà không phải ai cũng làm được. Nhờ mấy cuộc nhậu mà sếp đã mang về cho công ty rất nhiều hợp đồng, thu về lợi nhuận lớn. Hãy nhớ, công việc không chỉ ở ''bàn giấy'' mà nó còn ở bàn rượu.
Đối diện công ty tôi có một cửa hàng bán bánh mỳ rất đông khách, bà chủ khá khó tính, nhiều khi ‘’khó ở’’ khách vào mua còn chẳng thèm bán. Nghe đâu, nhờ quán bánh này mà cô nuôi được 2 người con học đại học, 1 đứa khác thì đi du học bên Nhật Bản. Vậy mới thấy, đừng bao giờ coi thường những người buôn bán, lao động tay chân bởi họ là chủ, thích thì bán, không thích thì nghỉ, thậm chí bực lên còn chửi khách vài ba câu.
Còn mình- dân tri thức nhưng chỉ làm thuê, mỗi tháng được vài đồng lương mà sếp có mắng cũng phải cắn chặt răng chịu đựng. Mình thua họ thật rồi!.
Ăn được cái bánh mì giác ngộ đủ thứ, cũng tuyệt đối không được coi thường cô lao công, chú bảo vệ. Suy cho cùng họ cũng như mình, đều là dân đi làm công ăn lương mà lương tháng cũng chẳng chênh nhau là bao.
Thậm chí, đi làm rồi tôi cứ nghĩ sẽ được tự do tài chính, sẽ có tiền cho gia đình nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lén vay tiền mẹ để chi tiêu vì công ty nợ lương.
Tôi là người khá tham vọng và cầu toàn, ở bất cứ công việc nào tôi luôn cố gắng nỗ lực để không bao giờ thua kém người khác. Khi thấy một chị đồng nghiệp được trao bằng khen nhân viên xuất sắc của tháng, tôi đã hỏi trực tiếp sếp cần đạt những tiêu chí gì để có thành tích như vậy. Sau đó, tôi quyết tâm làm năng suất gấp đôi nhưng lại không hề nằm trong danh sách nhận thưởng. Hóa ra, vì thường ngày tôi không chơi cùng phe của sếp, lúc nào cũng thích trung lập nên sếp đã gạt tên tôi ra ngoài.
Sau vụ việc này, tôi đã tâm sự với bạn và nói muốn xin nghỉ việc, tôi nghĩ không có tôi thì cơ quan sẽ mất đi một nhân tố đắc lực, họ sẽ phải năn nỉ tôi ở lại. Nhưng bạn tôi nói, đừng bao giờ nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ, không có tôi sẽ có hàng trăm người khác nhảy vào thế chân. Trước nay, chỉ có cá nhân thay đổi vì tập thể chứ đừng mong cả một cơ quan lại phải đổi mới vì một ai đó. Rồi quả đúng như vậy, khi tôi lên gặp sếp để nộp đơn xin thôi việc, sếp chỉ động viên vài câu rồi đồng ý."
22 năm đầu đời mọi thứ giống như lý thuyết còn sau đó sẽ là một trang hoàn toàn mới giúp ta trưởng thành hơn. Gen Z nếu gặp thời, biết nắm lấy cơ hội có thể sẽ được tiến xa, bay cao và được sống trong môi trường đúng với những gì ta kỳ vọng. Ngược lại, nếu cứ mãi sống trong ảo tưởng hão huyền, không tự thích nghi thì chúng ta sẽ già đi, trì trệ như một ông chú ở thời đại xưa cũ.
Đa số sinh viên mới ra trường đều từng trải qua giai đoạn "vỡ mộng" với thực tại khắc nghiệt. Bạn "đầu tắt mặt tối" chạy đua với deadline, với công việc bận rộn, không còn có thời gian để suy nghĩ mộng mơ như thời sinh viên. Đó còn là may mắn hơn nhiều người vẫn còn "rải" hồ sơ xin việc dày đặc mà vẫn chưa tìm được một "chỗ ngồi" như ý.
Như câu chuyện của người bạn làm trái ngành, dù công việc của bạn là công nhân hay làm ở môi trường văn phòng thì sự nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng. Công nhân có tay nghề, chuyên môn vững "không lo chết đói", còn cử nhân "chỉ có tấm bằng đỏ" mà không rèn giũa chỉ có thể "giậm chân tại chỗ".
Đừng chỉ nên nhìn vào "vỏ bọc" bên ngoài mà quên mất rằng, thực chất nghề nghiệp nào cũng đều đáng quý. Vốn dĩ không ai quy định, con đường đến đỉnh thành công nhất định phải thẳng băng. Đúng không?
Bạn sinh ra không phải chỉ để chăm chăm nghe theo lời phán xét của người khác. Hãy chọn con đường khơi dậy được niềm đam mê, có thể khiến bạn hài lòng. Bạn nên nhớ rằng "trường đại học đôi khi không dạy bạn cách sống hạnh phúc".