Gen Z thành 'chúa chổm' vì thích 'mua trước, trả sau': Lầm tưởng về vay không lãi suất, ngẩn ngơ vì nợ vài nghìn đô
Những lời hứa hẹn về các khoản vay không lãi suất đã giúp các sản phẩm BNPL (buy now, pay later) trở nên đặc biệt hấp dẫn với Gen Z.
Sarah Pfefferle (21 tuổi) đã tiết kiệm được 16.000 USD cho ngôi nhà tương lai của mình vào năm 18 tuổi. Song, khi cô bắt đầu sống theo cách “tiêu trước, trả sau”, thì mọi kế hoạch đều đổ bể.
Chỉ trong 2 tháng, Sarah đã nợ 5.000 USD từ 3 công ty cho vay trả góp. Số tiền nợ ngày một lớn dần, cùng khoản tiền đột xuất cho y tế đã tiêu hao phần lớn tiền tiết kiệm của cô. Điểm tín dụng của Sarah đã giảm từ 720 xuống 580 khi cô đóng tài khoản.
Sarah cho biết kế hoạch mua nhà của cô đã phải lùi lại ít nhất 2 năm và cô sợ có thể không đủ khả năng để vay thế chấp. Cô chia sẻ: “Tôi có rất ít hoặc không có tiền để dành cho các trường hợp khẩn cấp. Mọi thứ cứ thành vòng luẩn quẩn.”
Sarah không phải là trường hợp duy nhất. Công ty Afterpay của Úc đã quảng cáo rất nhiều về hình thức mua trước, trả sau (BNPL) giúp người mua sắm đạt được sự thoả mãn tức thì. Các sản phẩm tài chính như vậy thường cho phép người tiêu dùng trả tiền thành 4 đợt, với lời hứa hẹn là ít hoặc không tính phí, không lãi suất và phê duyệt hồ sơ tín dụng nhanh chóng.
Những điểm hấp dẫn đó đã thu hút người trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm về tín dụng. Họ coi BNPL là giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng đối với thế hệ dùng TikTok. Các công ty tiên phong - bao gồm Afterpay, Klarna Bank và Affirm, đã hợp tác với nhiều nhà bán lẻ đồ may mặc thời thượng, những influencer và nhanh chóng trở nên phổ biến trên các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Họ thu lợi nhuận nhờ tính phí cho bên trung gian mỗi lần khách hàng sử dụng sản phẩm này để thanh toán.
Các khoản vay ngắn hạn được ưa chuộng hơn trong thời kỳ đại dịch, nhờ vào việc người tiêu dùng có nhiều tiền mặt và phải mua sắm trực tuyến. 5 công ty lớn trong ngành BNPL đã cung cấp 180 triệu khoản vay với tổng trị giá 24,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp 10 lần so với 2019, theo báo cáo từ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB).
Những lời hứa hẹn về các khoản vay không lãi suất đã giúp các sản phẩm BNPL trở nên đặc biệt hấp dẫn với Gen Z. Theo Bloomberg, Gen Z là một thế hệ có thái độ đề phòng với thẻ tín dụng, nhiều người chứng kiến người thân gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Song, BNPL lại chỉ “miễn phí khi bạn tuân thủ các quy tắc”, theo Ed Mierzwinski - giám đốc cấp cao của Public Interest Research Group.
Giờ đây, khi lạm phát leo thang, các công ty BNPL đang đối mặt với những khoản nợ khó đòi. CFPB nhận thấy người đi vay trẻ tuổi có nhiều khả năng đang ôm những khoản nợ quá hạn, họ đang không thể trả nợ hoặc bị một bên thứ 3 đòi nợ. Khoảng 11% người đi vay đã thanh toán ít nhất một khoảng phí trễ hạn vào năm 2021, tăng so với năm trước. 18% người tiêu dùng từ 18-29 tuổi cũng chậm trả nợ vào năm 2021, theo một báo cáo của Fed.
Mierzwinski nhận định: “Chiêu trò marketing của các công ty này nhắm đến người trẻ tuổi, có thể họ ít tính toán về mặt tài chính vì chưa tham gia vào thị trường này lâu.”
Trong các thông báo được gửi qua email, Afterpay, Klarna và Affirm đều nói rằng họ có nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hơn so với thẻ tín dụng. Họ nhấn mạnh rằng họ không tính lãi, không tính phí trễ hạn thanh toán hay đặt ra mức phí tối thiểu.
Đối với Gabrielle, càng chi tiêu nhiều, cô càng nợ nhiều. Hơn 1 năm sau, cô gái 19 tuổi này ngồi “ngẩn ngơ” với đống quần áo mới, đồ trang điểm và khoản nợ 3.500 USD trên một số tài khoảng BNPL. Theo CFPB, tình trạng “nợ chồng chất nợ” như thế này là mối rủi ro lớn cho người tiêu dùng. Cuối cùng, Gabrielle đã trả hết nợ vào tháng 4, sau khi tìm kiếm sự trợ giúp trên một nhóm thảo luận của Reddit - nơi nhiều người dùng cũng nghiện mua sắm vì BNPL.
Đối với một số người, việc không thể thanh toán các khoản vay BNPL có thể gây ra hậu quả lâu dài.
Briana Gordley (24 tuổi) cho biết cô không hiểu rõ ràng về những “cạm bẫy khó nhận thấy” của BNPL khi lần đầu tiên bắt gặp quảng cáo của Afterpay tại cửa hàng Forever 21 vào năm 2016. Trong quá trình học đại học, cô phải tự chi trả mọi thứ và bị nhà cung cấp thẻ tín dụng từ chối, Bởi vậy, cô tin rằng đây là cách an toàn để mua sắm những thứ mà cô không đủ khả năng, sau đó thanh toán với thù lao từ công việc bán thời gian.
Chỉ 18 tháng sau, Gordley đã vay 1.500 USD từ 3 nền tảng. Cô buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ. Và thậm chí sau đó, cô mất 2 năm để có một khoản tiết kiệm và thanh toán các khoản vay sinh viên của mình.
Dù việc Gordley thanh toán trễ hạn không ảnh hưởng đến điểm tín dụng, nhưng nhiều người khác có thể sẽ không tránh được. Các hãng tín dụng lớn như Equifax và Experian cho biết họ sẽ bắt đầu đưa các giao dịch BNPL vào báo cáo tín dụng của người tiêu dùng. Các khoản vay được gửi cho bên thu nợ cũng có thể được đưa vào báo cáo và ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người tiêu dùng.
Tham khảo Bloomberg
Theo Chi Lan