Gen Z sợ Chủ nhật, trạng thái kiệt sức thèm nghỉ ngơi trọn vẹn

Chia sẻ Facebook
21/07/2023 15:44:32

Nhiều khảo sát đã chỉ ra hơn 90% người trẻ thuộc thế hệ Z đang gặp hội chứng 'sợ Chủ nhật'. Đây là một hiện tượng tâm lý nghiêm trọng cho thấy giới trẻ đang gặp các vấn đề tâm lý khó vượt qua.

Sau một tuần làm việc căng thẳng, ai cũng mong đến cuối tuần để được thư giãn, tái tạo năng lượng mới. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ngay cả khi đang nghỉ ngơi, đa số mọi người đều có cảm giác nặng nề vào ngày Chủ nhật vì nghĩ rằng mai là thứ Hai, lại bắt đầu một tuần mới làm việc. Sợ Chủ nhật thậm chí còn trở thành hội chứng tâm lý nghiêm trọng, và Gen Z đang là thế hệ có nhiều người gặp phải hội chứng này nhất. Người trẻ lo lắng ngay cả khi ở nhà hay đi chơi, những áp lực công việc và deadline "không buông tha" khiến họ mệt mỏi.

Nhiều người trẻ gặp hội chứng sợ Chủ nhật.

Chủ nhật mà "lặn mất tăm" lại mang tiếng lười biếng, ham chơi

Cả tuần đã làm việc chăm chỉ từ thứ Hai đến thứ Sáu, nhiều công ty còn làm thêm vào thứ Bảy. Do vậy, Chủ nhật sẽ là ngày trọn vẹn để được nghỉ ngơi. Nhưng mấy ai thực sự buông bỏ được hết lo âu, deadline để tập trung thư giãn. Chưa kịp lên kế hoạch vui chơi đã lo mai là thứ Hai, nhiều người thậm chí dành cả ngày Chủ nhật chỉ để lo về công việc trong tuần tới.

Nhưng đó chưa phải lý do lớn nhất khiến người trẻ mệt mỏi vào ngày cuối tuần. Muốn một ngày Chủ nhật trọn vẹn không công việc, không deadline, không tin nhắn từ đồng nghiệp và sếp dần trở nên xa xỉ với Gen Z. Nhiều người phải ôm luôn công việc về nhà, làm từ trong tuần đến cuối tuần, có là Chủ nhật vẫn phải ăn, ngủ, nghỉ với máy tính, giải quyết công việc tồn đọng. Ngày thường phải làm việc là lẽ đương nhiên, nhưng tới ngày nghỉ vẫn không thể nhắm mắt làm ngơ, sếp giao cũng chẳng thể không làm khiến cảm xúc chán nản, căng thẳng tích tụ, nhiều người trẻ lâu dần rơi vào trạng thái sợ ngày Chủ nhật hơn bất cứ thời điểm nào trong tuần.

Ngày nghỉ vẫn bù đầu vì công việc. (Ảnh minh họa: Freepik)


Ngày nghỉ có thể "lặn mất tăm", tắt hết điện thoại để nghỉ ngơi thoải mái nhất, nhưng gần như chẳng ai có thể làm được điều đó vì trách nhiệm. Biến mất sợ việc còn đó không ai làm, sợ mang tiếng lười biếng, ham chơi, không nhiệt tình với công ty,... Nhiều thành viên của Cột sống Gen Z đã nhanh chóng chia sẻ về vấn đề này:


- Cuối tuần muốn dành thời gian cho bản thân và gia đình cũng khó. Tin nhắn 'ting ting', sếp gọi, đồng nghiệp nhắn chẳng thể làm ngơ. Chủ nhật mà nhiều khi cảm giác mệt mỏi hơn thứ Hai đầu tuần đi làm.


- Chủ nhật nghe tiếng tin nhắn giật mình thon thót. Rồi chưa kịp nghỉ ngơi đã nghĩ mai đi làm. Mình làm việc xa nhà, thứ Bảy về thăm bố mẹ rồi Chủ nhật đã tất bật lên thành phố để còn chuẩn bị cho báo cáo tuần mới.


- Không có người yêu vì Chủ nhật vẫn phải làm, không có thời gian dành cho nhau, mình cũng không thể vừa đi hẹn hò vừa giải quyết công việc.

Tâm lý sợ Chủ nhật phổ biến ở người trẻ. (Ảnh: Cột sống Gen Z)

Không thể thư giãn dù là ở nhà. (Ảnh minh họa: Freepik)


Thực tế, nếu không phải bận rộn chạy deadline vào Chủ nhật, nhiều người cũng mất cả ngày lo lắng về thứ Hai: "Báo cáo đầu tuần chưa làm", "Kế hoạch đối tác yêu cầu sửa vẫn chưa xong", "Chưa gì mai đã thứ Hai", "Ủa sao chưa gì mà gần hết cuối tuần rồi? Chắc chắn lúc này bạn sẽ bắt đầu phát hoảng lên vì nhà còn bao việc! Cứ như thế ngày cuối tuần để nghỉ ngơi không ngập trong công việc cũng trôi qua vô nghĩa.

Nhiều khi hoảng hốt vì ngày Chủ nhật trôi qua quá nhanh.


"Thèm" một ngày Chủ nhật trọn vẹn

Nhiều người không để ý tới hội chứng sợ Chủ nhật và xem rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, nhưng thực tế, những tiêu cực dồn nén lâu ngày có thể hủy hoại sức khỏe tinh thần của người trẻ. Một người làm việc trong trạng thái căng thẳng sẽ không thể đem lại hiệu quả tối đa, lâu ngày, nhiệt huyết và đam mê dần biến mất, không ít bạn trẻ rơi vào tình trạng chán công việc, đây cũng là một trong những lý do tại sao người ta thấy Gen Z có tỷ lệ "nhảy việc" cao.


"Gen Z chúng mình muốn được vui chơi thoải mái không có nghĩa chúng mình lười biếng. Sẵn sàng làm việc nhưng ai cũng cần được nghỉ ngơi trọn vẹn, nếu cứ làm mà không có khoảng nghỉ dần dần sẽ kiệt sức", Ngọc Ánh (23 tuổi) chia sẻ.

Ngồi nhà chạy deadline là chuyện thường thấy. (Ảnh minh họa: Freepik)

Gen Z "thèm" một ngày Chủ nhật vô lo vô nghĩ, không tin nhắn, không áp lực công việc, có thể tạm gác hết deadline tuần cũ, chưa vội nghĩ đến tuần mới. Người trẻ không muốn bị gắn mác lười biếng, ham vui, họ sẵn sàng làm việc khi cần thiết nhưng vẫn cần có thời gian để chăm sóc, yêu thương bản thân.

Đối diện với nỗi sợ Chủ nhật, nhiều người chấp nhận tìm đến môi trường làm việc khác phù hợp hơn. Có thể áp lực vẫn còn, nhưng họ muốn đến một nơi mà mình được làm chủ về mặt thời gian. Có người sẽ lập lại kế hoạch công việc, đảm bảo hoàn thành deadline và vẫn có giây phút thư giãn đúng nghĩa. Sau một tuần dài, bạn có thể dành thời gian để nghỉ ngơi và hoàn toàn không quan tâm đến màn hình điện tử.

Lo lắng và bồn chồn không giúp bạn giải quyết công việc. Ngược lại, nó còn đánh lạc hướng tâm trí bạn và không cho bạn có đủ tâm thế để bắt đầu công việc tuần mới. Hãy hít một hơi thật sâu, bình tĩnh và đón chờ mọi điều tuyệt vời nhất sẽ đến.

Nếu cảm thấy kiệt sức, hãy gác lại mọi thứ tự cho bản thân được nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa: Freepik)


Cuộc sống không thể biết trước ngày mai, nếu cứ chìm đắm trong lo lắng và sợ hãi về ngày Chủ nhật quả thật uổng phí. Hãy chia sẻ vấn đề bạn gặp phải cùng YAN , chúng tôi sẽ lắng nghe và cùng bạn vượt qua nỗi sợ.

Nhiều người trẻ mắc hội chứng sợ Chủ nhật, đây đã trở thành vấn đề tâm lý phổ biến. Áp lực công việc, lo lắng về deadline, chuyện công sở khiến nhiều bạn trẻ ăn không ngon, ngủ không không yên, kể cả ngày nghỉ vẫn lo âu.

Để giải quyết vấn đề này mỗi người cần tự tìm nút thắt mình đang gặp phải, xác định cụ thể bản thân muốn gì và cần phải làm gì. Quan trọng hơn hết là cân bằng giữa nghỉ ngơi và công việc.


Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook