Gen Z phỏng vấn hùng hồn "không sợ áp lực", gặp khó lại đòi nghỉ việc

Chia sẻ Facebook
20/06/2023 02:33:06

Đa số Gen Z đều nói rằng mình không ngại môi trường áp lực cao, nhưng đến khi vào làm thực tế, Gen Z lại dễ nản chí khi gặp áp lực thực sự. Không phải ai cũng có thể 'chiến đấu' trong môi trường nhiều áp lực, cạnh tranh.


Mới đây, tại nhóm Facebook Cột Sống Gen Z các thành viên đã không ngừng chia sẻ một bức ảnh meme hài hước "bóc mẽ" thực tế trái ngược khi đi phỏng vấn và đi làm của không ít Gen Z. Lúc đi phỏng vấn, ai cũng thể hiện sự tự tin, không ngần ngại tuyên bố: "Em không ngại làm việc trong môi trường áp lực cao để có cơ hội phát triển bản thân". Thế nhưng, đến khi làm việc thực tế gặp áp lực lớn nhiều bạn trẻ lập tức "quay xe", mệt mỏi muốn nghỉ việc.

Bức ảnh hài hước phản ánh đúng thực trạng của không ít Gen Z khi làm việc. (Ảnh: Cột sống Gen Z)


Gen Z nhanh nhạy nhưng chịu áp lực kém


Khi tham gia các vòng loại phỏng vấn, ai cũng muốn thể hiện bản thân thật tốt, cho nhà tuyển dụng thấy mình là người cầu tiến, có trách nhiệm trong công việc. Độc giả của YAN đã chỉ ra những câu nói "kinh điển" trở thành bài học thuộc lòng được rất nhiều các ứng viên sử dụng như: "Điểm yếu của em là quá cầu toàn...", "Em không ngại tăng ca, làm thêm giờ nếu điều đó là cần thiết", "Em muốn làm việc trong môi trường áp lực cao để phát triển bản thân",...

Đi phỏng vấn hùng hồn khẳng định "không ngại công việc áp lực".

Nói có thể hay nhưng khi bắt tay vào công việc mới thấy biến lời nói thành hành động không phải chuyện dễ dàng. Khi công việc quanh mình 24/7, email luôn trong tình trạng sẵn sàng thông báo, các group làm việc đầy ắp tin nhắn bất kể ngày đêm, Gen Z ngay lập tức rơi vào trạng thái "đuối nước". Mọi người vẫn nghĩ Gen Z năng động thế kia, nhiều năng lượng đến vậy, làm văn phòng 8h sáng đến công ty 17h chắc sẽ không mệt mỏi, nhưng nào ai biết nhiều bạn trẻ cũng "héo dần" với chuỗi công việc lặp đi lặp lại.

Áp lực lớn từ công việc khiến không ít Gen Z mệt mỏi. (Ảnh minh họa: Freepik)


Có không ít ý kiến cho rằng, Gen Z là thế hệ nhanh nhạy và chủ động trong công việc, thế nhưng khả năng chịu đựng áp lực của họ lại kém hơn. Bà Đinh Mộng Kha, CEO một công ty công nghệ tại tọa đàm "Nhân sự Gen Z và những xu hướng tuyển dụng mới" đã trực tiếp chia sẻ về vấn đề này. Với việc điều hành một công ty với hơn 60% nhân sự là Gen Z, bà Kha nhận định các bạn trẻ thường chủ động đề nghị làm dự án này, dự án kia, không ngại thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới.

Gen Z rối bời với công việc của mình. (Ảnh minh họa: Freepik)


Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, nhiều người bắt đầu than thở "cái này sao khó quá", khi gặp vấn đề với khách hàng, không may bị nói nặng lời, có Gen Z còn khóc lóc, làm đơn xin nghỉ việc và cho rằng mình không hợp với công việc này. Lý giải về khả năng chịu áp lực kém của Gen Z, bà Kha cho rằng: "Có thể vì các bạn ấy mới đi làm hoặc vì họ được sinh ra và lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn so với những thế hệ trước".

Nhiều Gen Z đi làm trong trạng thái thiếu sức sống. (Ảnh minh họa: Freepik)

Gặp áp lực trong công việc khiến Gen Z mệt mỏi, muộn phiền, đi làm trong trạng thái chán chường, muốn buông xuôi. Với sự uể oải đó, công việc chắc chắn cũng khó trôi qua một cách thuận lợi. Nếu không thể vượt qua được áp lực, các bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc để "giải phóng" bản thân mình.

Áp lực công việc là vấn đề không nhỏ với thế hệ Z.


Gen Z vượt chướng ngại vật


Có một phép ẩn dụ để nói về tình trạng của Gen Z: "Mở quá nhiều tab sẽ hao pin". Các bạn trẻ có quá nhiều vấn đề lo âu trong suy nghĩ khiến họ trở nên kiệt sức. Áp lực giống như "chướng ngại vật" vô hình mà Gen Z phải vượt qua để trưởng thành. Bạn không thể đòi hỏi một công việc nhẹ nhàng, lương cao mà không áp lực. Sẽ chẳng có thành công hay quả ngọt nào mà không phải nếm mùi "chông gai", nếu không có áp lực thì cũng khó có động lực để phát triển. Điều quan trọng là các bạn cần phải có năng lực để vượt qua những áp lực đó. Khi chúng ta học được cách biến khó khăn thành động lực bạn sẽ có thêm lực đẩy để làm việc.

Biến áp lực thành động lực để làm việc. (Ảnh minh họa: Freepik)

Áp lực có thể ăn mòn ý chí và khả năng phán đoán của mỗi người, nếu quá căng thẳng hãy chậm lại một chút cho bản thân có quãng thời gian nghỉ ngơi. Công việc tuy có khó khăn nhưng không phải chẳng thể giải quyết. Công ty là nơi làm việc tập thể, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp khi cần thiết thay vì ôm đồm mọi chuyện. Người ta vẫn nói "áp lực tạo nên kim cương", khi Gen Z vượt qua được những khó khăn cũng là lúc bạn có thêm một bước tiến trong hành trình phát triển, trưởng thành của chính mình.


Nếu bạn đang gặp áp lực trong công việc, có thể chia sẻ điều đó với chúng tôi tại YAN nhé!

Vì mạng xã hội phát triển nên người ta nhìn thấy Gen Z hay kêu ca mệt mỏi, chán công việc đòi nghỉ, nhưng Gen Z đâu có yếu đuối như vậy đúng không? Các bạn là thế hệ dám đương đầu, môi trường làm việc có áp lực nhưng nếu thực sự có cơ hội phát triển bản thân Gen Z cũng sẽ không bỏ cuộc.

Áp lực công việc là điều không chỉ riêng người trẻ mà các thế hệ trước cũng gặp phải. Chúng ta cần đối mặt để giải quyết thay vì từ bỏ hay né tránh. Biến áp lực trở thành động lực để bản thân tốt hơn mỗi ngày.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook