Gen Z ở quê lên phố: Đồ ăn mẹ gửi và điều hoà miễn phí là "phao cứu sinh" mùa bão giá
Nhằm thắt chặt chi tiêu để bám trụ trong mùa bão giá, nhiều sinh viên đã chọn ăn cơm nhà được chế biến từ những nguyên liệu mẹ gửi từ quê lên thay vì "đốt tiền" vào ăn uống vỉa hè, hàng quán.
Khi cơn bão giá quét qua mọi ngóc ngách của cuộc sống, hầu hết mọi người đã có những điều chỉnh rõ rệt trong chi tiêu để giảm tối đa được chi phí sinh hoạt hàng tháng, đặc biệt là những những sinh viên lên thành phố học tập và sinh sống. Một trong số những ví dụ điển hình cho cuộc sống tiết kiệm giữa thành phố mùa bão giá là Lê Ngọc Minh (sinh ra và lớn lên tại Sơn La, hiện là sinh viên năm 1, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo như Ngọc Minh chia sẻ thì do tình hình dịch bệnh phức tạp nên đến tận tháng 3 cô mới có cơ hội lên Hà Nội để nhập học năm đầu tiên. Cô nàng khá chật vật khi sống ở vùng quê đã quen, nay vừa lên Hà Nội nhập học được vài tháng lại trúng ngay mùa bão giá.
Ngọc Minh cho biết trước đây khi mới nhập học, mỗi tháng cô sẽ tốn khoảng 3 triệu đồng bao gồm (1 triệu đồng tiền trọ, 1 triệu đồng chi phí sinh hoạt cá nhân, 1 triệu đồng cho phần ăn uống, tụ tập bạn bè) nhưng đó là chưa kể đến các chi phí đi lại cũng như chi phí phát sinh khác.
Ngọc Minh thường được mẹ gửi thịt cá, rau củ… từ quê lên để đỡ phần tiền chợ búa. Cô nàng cũng bắt đầu đi làm kiếm thêm thu nhập ngay từ những ngày nhập học đầu tiên bằng công việc trợ giảng ở các trung tâm luyện thi Đại học. Với mức lương làm thêm khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, hiện nay Ngọc Minh đã phần nào có thể đỡ đần cho cha mẹ trong chi tiêu hàng tháng trước áp lực tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu.
Vì thuê phòng trọ ở gần trường nên Ngọc Minh không tốn chi phí di chuyển đến trường nhưng mỗi tháng tiền grab vẫn "ngốn" của cô vài trăm nghìn cho những buổi đi làm thêm hoặc tụ tập. Thay vào đó, giờ đây Ngọc Minh đã nhạy bén hơn trong việc quản lý chi tiêu, cô nàng chuyển từ đi "bike" sang đi "bus", từ đó mỗi tháng chi phí đi lại mỗi tháng chỉ còn dao động trong khoảng 90 đến 100 nghìn đồng.
Trước đây Ngọc Minh cũng không ít lần lâm vào cảnh "cháy túi" do lỡ tay tiêu quá đà. Tuy nhiên từ ngày giá cả tăng cao, xăng dầu, điện, nước, thịt, cá, rau củ, đến hạt muối, hạt đường giá cũng đã tăng theo khiến cô nàng ngày càng tằn tiện. Ngọc chẳng còn dám tụ tập cùng bạn bè quá nhiều như trước. Trừ tiền trọ và tiền phí sinh hoạt cá nhân mặc định thì bản thân cô luôn cố gắng giảm thiểu chi tiêu xuống mức thấp nhất.
Chưa kể thời tiết Hà Nội nắng nóng như hiện nay khiến những nơi không có điều hoà luôn trở thành nỗi ám ảnh. Chính vì thế mà thay vì ở phòng trọ chịu đựng cái nóng, Ngọc Minh sẽ lựa chọn giải pháp đến phòng tự học hoặc thư viện trường, khi đó một công sẽ được cả ba việc, vừa có nơi yên tĩnh để học tập, vừa có chỗ ngồi điều hoà mát mẻ miễn phí, lại vừa tiết kiệm được khá nhiều trong chi tiêu tiền điện sinh hoạt.
Ngoài ra, nếu trước đây những túi quà quê của mẹ chỉ phần nào giúp Ngọc Minh tiết kiệm chi phí ăn uống hàng tháng thì hiện tại chúng lại như "phao cứu sinh" của cô nàng trong thời kỳ bão giá như hiện nay.
Thực tế, thị trường thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tại Hà Nội đã qua nhiều lần điều chỉnh giá bán kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều điều chỉnh theo xu hướng tăng. Vậy nên mỗi tháng cứ đều đặn từ 1 đến 2 lần, nào thịt, cá, trứng, sữa, nào rau củ, trái cây... đều được mẹ chuyển từ Sơn La vào Hà Nội cho Ngọc Minh một cách "tấp nập", đôi khi còn đính kèm dòng chữ trìu mến "con gái yêu" như một nguồn động viên to lớn cho Ngọc Minh về cả tinh thần lẫn vật chất.
Ngọc Minh ban đầu lên Hà Nội nhập học đã quá choáng ngợp vì sự đắt đỏ ở chốn Thủ đô, nay lại càng thêm chật vật vì vật giá mỗi lúc một leo thang chưa nhìn thấy hồi kết. Những túi quà quê của mẹ không những giúp Ngọc Minh tiết kiệm được kha khá chi tiêu trong ăn uống mà còn là nguồn động viên trong những ngày đi học xa quê.
Ảnh: NVCC
Theo Mỹ Ý
Trí Thức Trẻ