Gen Z mất kiên nhẫn vì quy trình phỏng vấn rườm rà

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:27:48

Quá trình phỏng vấn kéo dài đến 3, 4 vòng khiến các ứng viên Gen Z mệt mỏi vì quá rườm rà, đợi mãi chưa có kết quả. Nhiều người cho rằng, phỏng vấn không nên quá 2 vòng.


Tham gia các cuộc phỏng vấn là yêu cầu cần thiết trong tuyển dụng. Qua những trao đổi trực tiếp từ phía công ty và các ứng viên, đôi bên có thể hiểu nhau để tìm ra người phù hợp nhất với doanh nghiệp. Thế nhưng khổ nỗi, không ít các đơn vị tổ chức phỏng vấn không chỉ 1, 2 vòng mà tới 3, 4 lượt khiến người đi xin việc cũng mệt mỏi vì chờ đợi. Có những người chờ đến 2, 3 tháng vẫn chưa thấy kết quả, khi hỏi chỉ nhận được câu trả lời: "Công ty đang xem xét, em đợi thêm nhé."

Quy trình phỏng vấn rườm rà khiến người trẻ mất kiên nhẫn.


"Trúng tuyển hay không nói một lời"


- Có ai như em không, đi phỏng vấn xin việc đợi 3 tháng rồi chưa báo kết quả. Lúc kết thúc phỏng vấn công ty đã hẹn dù trúng hay trượt cũng sẽ thông báo mà đến nay vẫn không có phản hồi gì.


- Mình từng xin việc ở một công ty họ yêu cầu phỏng vấn tận 4 vòng, nào là làm bài test, vòng nói chuyện với leader, vòng nói chuyện với giám đốc, lại còn làm bài test cuối cùng nữa,... Xong lại đợi 1, 2 tháng sau mới có kết quả. Cảm thấy mệt mỏi.


- Kiếp nạn thứ 82 của em, trải qua 3, 4 vòng phỏng vấn, trúng tuyển hay không cũng chẳng nhận được thông báo.

Người trẻ hoang mang vì đủ tình huống oái oăm khi đi xin việc. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Hàng loạt những lời than khổ của cộng đồng Cột sống Gen Z về tình hình đi xin việc hiện nay. Có thể thấy, không ít công ty kéo dài các cuộc phỏng vấn vì nhiều lý do. Tuyển dụng cũng giống như một cuộc chạy đua marathon với các câu hỏi và bài kiểm tra có thể kéo dài vài tháng phụ thuộc vào tiêu chí của từng công ty. Khi một tin tuyển nhân sự được đăng tải có đến hàng trăm ứng viên nộp hồ sơ, các công ty cũng cần thời gian để cân nhắc, chọn lựa, sàng lọc hồ sơ để đảm bảo chọn được người phù hợp nhất.

Cũng có trường hợp, công ty đã "chấm" bạn, nhưng vì còn nhiều ứng viên, họ sẽ kéo dài quá trình tuyển dụng để xem có ai vượt trội hơn và bạn giống như một kế hoạch dự phòng. Hàng trăm người nộp đơn xin việc khiến các công ty tin rằng sẽ luôn có người tốt hơn ngoài kia.

Việc có nhiều người nộp CV, nhà tuyển dụng muốn kéo dài thời gian phỏng vấn để lựa chọn. (Ảnh minh họa: Freepik)

Phỏng vấn xin việc căng thẳng, nhiều câu hỏi khó.

Với việc các ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn cũng không phải hiếm gặp. Mỗi công ty có một đặc thù khác nhau, họ muốn thông qua nhiều vòng để hiểu rõ hơn về người lao động cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, kéo dài lên đến 3, 4 lượt cũng khiến cho nhiều Gen Z cảm thấy mệt mỏi.


Gen Z mất kiên nhẫn

Nhiều bạn trẻ Gen Z cho rằng, quy trình phỏng vấn không nên kéo dài quá 2 vòng, 2 là số vừa đủ để xem người đó có phù hợp, và công ty có thể quyết định nên thuê hay không. Trong trường hợp phía doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, cũng nên thông báo cho ứng viên kết quả để họ không phải chờ đợi trong vô vọng.


Đa số bày tỏ việc quy trình tuyển dụng hạn chế kéo dài tới 2, 3 tháng. Một độc giả của YAN cho rằng: "Thành thật mà nói, tôi không nghĩ phải mất đến 2 tháng để biết liệu công ty có muốn thuê ai đó hay không, làm việc càng nhanh gọn càng tiết kiệm thời gian của đôi bên".

Quy trình phỏng vấn của một công ty được Gen Z rất quan tâm.


Thực tế, việc một doanh nghiệp có quá nhiều bước rườm rà trong quy trình phỏng vấn cũng dần trở nên "mất điểm" trong mắt các ứng viên. Trong cộng đồng của Gen Z, thậm chí còn có những lời đồn như: "Thấy bạn bè bảo công này phỏng vấn lâu la, nhiêu khê, đủ thứ các loại test trên trời dưới đất, từ tham gia phỏng vấn hết cấp này đến cấp kia làm nhiều buổi mà không gộp vào một hôm"... Dù có tinh thần hào hứng, mong muốn tìm việc, nhưng Gen Z thực sự e ngại những nơi làm việc có quy trình rườm ra, mất nhiều thời gian.

Mệt mỏi vì phỏng vấn 4 vòng chưa xong.


Làm thế nào để được cả đôi bên?

Rõ ràng trong câu chuyện này, người sử dụng lao động luôn chiếm thế thượng phong, các ứng viên dù muốn hay không vẫn cần tuân theo "luật chơi" mà doanh nghiệp đưa ra. Tuy nhiên, về lâu dài, việc nhanh gọn quy trình tuyển dụng cũng sẽ giúp đôi bên cùng có lợi. Phía công ty sớm tìm được nhân sự phù hợp, người đi xin việc cũng có kết quả để chủ động tìm việc khác hay không.

Trên thực tế, có rất nhiều công ty không quá nhiều các vòng phỏng vấn vẫn tìm được ứng viên chất lượng, vì vậy đây là vấn đề nếu doanh nghiệp đang gặp phải cũng cần cân nhắc để có biện pháp thay đổi phù hợp.

Dù trong trường hợp nào đôi bên cần giữ thái độ chuyên nghiệp, tôn trọng đối phương. (Ảnh minh họa: Việc làm)

Nhìn chung, các bạn trẻ khi xin việc đều có hy vọng rằng bộ phận nhân sự cần có sự hồi đáp lại với ứng viên, điều này cũng thể hiện cách làm việc chuyên nghiệp. Về phía Gen Z khi đi xin việc, dù thế nào hãy luôn giữ thái độ chuyên nghiệp và cầu tiến. Hành trình tìm kiếm việc làm chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn, hy vọng các bạn luôn đủ bình tĩnh và tự tin, đừng bỏ cuộc.

Gen Z mệt mỏi với những cuộc phỏng vấn rườm rà, kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Càng nản chí hơn khi mãi chẳng được thông báo kết quả tuyển dụng. Thực tế, đây cũng là vấn đề khó tránh khỏi trong cuộc đua xin việc. Các bạn trẻ cũng không nên sớm từ bỏ, bình tĩnh và chủ động tìm cho mình những phương án giải quyết phù hợp nhất.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook