Gen Z đi làm không cầm nổi lương về, phải xin bố mẹ trợ cấp thêm
Với nhu cầu sống cao, tạo sự thoải mái cho bản thân và thỏa mãn những đam mê trải nghiệm, du lịch, mua sắm… nhiều Gen Z ngày nay vẫn sống chật vật với các khoản chi tiêu.
Lớn lên trong thời đại công nghệ số, thế hệ Gen Z thường có mong muốn tự lập và khẳng định bản thân trong cuộc sống. Việc đi làm và kiếm thu nhập cao là mục tiêu mà nhiều bạn trẻ hướng tới. Các bạn trẻ đa số đi làm từ rất sớm kiếm thêm thu nhập để phục vụ mục đích tiêu dùng của bản thân. Vì nhiều lý do mà các bạn trẻ ngày nay dù đi làm rất chăm chỉ nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính cá nhân và tiết kiệm tiền lương. Tình trạng “chưa hết tháng đã hết tiền” không phải là hiếm gặp trong CỘT SỐNG GEN Z .
Đi làm nhiều năm, chi tiêu vẫn chật vật
Cứ đến giữa tháng, Thu Huệ (25 tuổi) lại phải "thắt lưng buộc bụng". Là nhân viên công sở nhận lương 12 triệu đồng/tháng, thời điểm mới ra trường Huệ chỉ có thu nhập 6-7 triệu đồng, cao hơn thì 8-10 triệu đồng. Từ khi mức lương chạm mốc trên 10 triệu đồng, cuộc sống của Linh dễ thở hơn. Song cô vẫn phải tính toán kỹ càng để không xảy ra tình trạng bội chi cuối tháng. Có những tháng cô phải ăn mì tôm cả chục ngày, quần áo vài tháng mới dám mua vì yêu cầu công việc. Những khó khăn này Huệ đều giấu bố mẹ để họ bớt lo.
Mai Anh ( 24 tuổi, nhân viên Marketing) cũng cảm thấy e thẹn vì lương 12 triệu đồng/tháng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở mảnh đất Hà Nội. Tạm gạt bỏ giấc mơ mua nhà đất, xe cộ, Mai Anh thấy chỉ riêng việc cân đối chi tiêu không "âm tiền" mỗi tháng đã là điều khó khăn.
Ra trường 3 năm, nhưng Mai Anh chỉ có vỏn vẹn 5 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm. Cô cũng thường phải xin tiền từ phụ huynh mỗi khi có khoản cần chi tiêu mà tiền lương chưa kịp về. Ngoài ra, Mai Anh thường về nhà dưới quê để lấy đồ ăn bố mẹ mua sẵn rồi mang lên thành phố vào cuối tuần để giảm bớt chi phí.
Bố mẹ cô làm kinh doanh nhỏ lẻ dưới quê. Mặc dù bố mẹ không chê trách con gái, nhưng cô vẫn ái ngại vì ra trường đã lâu nhưng vẫn phụ thuộc tài chính vào gia đình mà còn làm họ lo lắng thêm.
Ở trường hợp khác, Hà Linh (23 tuổi, quận 12, TP.HCM) làm quản trị website cho một công ty với mức lương 10 triệu đồng. Dù sống cùng bố mẹ, lương không cần lo cuộc sống, nhưng hơn 2 năm đi làm, cô không có tiền tích lũy. Là con một, Linh không biết cách tiết kiệm, cô đã quen với việc mọi chi tiêu trong gia đình đều có phụ huynh lo liệu.
Lương hàng tháng của cô chủ yếu đổ vào quần áo, trà sữa, mỹ phẩm, du lịch, có những lần chi tiền quá tay, chưa hết tháng cô đã hết tiền. Vì không có tích lũy, những việc cần khoản tiền lớn như đổi xe máy, đổi điện thoại hay mua laptop mới, cô đều phải cần bố mẹ hỗ trợ.
Mẹ Linh vẫn thường hay nhắc nhở cô nên học cách kiểm soát chi tiêu, tự lập với mức thu nhập riêng, không thể cứ dựa vào người nhà mãi được. Đến bây giờ, mỗi lần đi du lịch cùng bạn bè còn phải xin thêm tiền từ gia đình, Linh cũng thấy ngại. Nhưng thú thực, cô chưa thể thay đổi thói quen lập tức được.
Không chỉ riêng Hà Linh, nhiều người trẻ của YAN cũng rơi vào cảnh đi làm nhiều năm vẫn không có tiền dư. Mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, cộng thêm bão giá khiến nhiều người trẻ rơi vào vòng lặp "kiếm ít tiêu nhiều".
Học tiết kiệm để đầu cho tương lai
Theo CNBC, hai năm đại dịch liên tiếp, cộng thêm bão giá toàn cầu đang khiến người trẻ lâm vào khủng hoảng chi tiêu. Trong cuộc khảo sát với 14.808 gen Z trên 46 nước của công ty kiểm toán Deloitte, 46% cho biết tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày, chi trả sinh hoạt phí, không dành dụm được đồng nào. Chỉ 25% báo cáo rằng họ có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.
Tuy nhiên, theo Gen Z Insight, bất chấp những khó khăn trên, nhu cầu chi tiêu của người trẻ tuổi đang ngày càng lớn. Khảo sát của UNiDAYS cho thấy người trẻ đã mua sắm nhiều hơn kể từ khi đại dịch xảy ra như một cách "trả thù" trước áp lực cuộc sống quá lớn.
Thực tế là việc buộc phải thắt chặt chi tiêu và kiểm soát tài chính là một phần quan trọng trong việc xây dựng tương lai tài chính bền vững. Nhiều bạn trẻ cho rằng, những thói quen trải nghiệm có thể phải bỏ đi khi không phù hợp với khả năng chi trả hay không đem đến những giá trị bền vững cho cuộc sống như là việc uống trà sữa mỗi ngày, đi mua quần áo thời thượng hay cà phê cuối tuần với bạn bè.
Khi quản lý tài chính cá nhân, việc đầu tư vào các trải nghiệm và kiến thức có giá trị là một phần quan trọng để phát triển bản thân và đạt được mục tiêu dài hạn. Các bạn trẻ vẫn được khuyến khích đầu tư vào các hạng mục, trải nghiệm khác thú vị hơn như mua sách báo, mua khóa học, đi networking hay mua các khóa học kinh doanh online để trau dồi các kinh nghiệm, kiến thức thực sự có giá trị mà bạn đang quan tâm. Như vậy, “từ bỏ” trong trường hợp này lại là điều cần thiết cho các kế hoạch tài chính dài hạn.
Dưới góc nhìn là một chuyên gia văn hoá, xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội - Viện Xã hội học Việt Nam) nhận định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các bạn trẻ - những người mới lập nghiệp, thu nhập vốn ít ỏi đi làm không tiết kiệm nổi.
“Thực tế, rất nhiều bạn đi làm cả tháng không có tiền lương mang về vì có thể các bạn phải chi trả cho những chi tiêu xuất phát từ sớm, những chi tiêu không thực sự cần thiết: để bằng bạn bằng bè, để trang trải cuộc sống, thiếu tính kế hoạch...
Thậm chí, có nhiều trường hợp các bạn ứng tiền hoặc vay tiền bạn bè để ưu tiên cho những chi tiêu trước mắt, nhiều khoản chi tiêu phù phiếm, không thực tế, không tạo cơ sở nền móng cho sự phát triển của nghề nghiệp, sự phát triển của bản thân mà chỉ giải quyết nhu cầu có tính nhất thời” , PGS.TS Bình nói.
Ông cho biết, thiết lập kế hoạch và mục tiêu cho tương lai là cần thiết nhưng để thực hiện được những điều đó lại là cả một quá trình, đòi hỏi các bạn trẻ phải tự nhìn nhận lại cách quản lý tài chính của bản thân và tìm được cho mình con đường tiến tới mục tiêu một cách rõ ràng, thực tế và hiệu quả.
Với Gen Z, giá trị không nằm ở vật chất, giá trị nằm ở sự đầu tư, chỉ cần đầu tư thông minh sẽ đem tới những trải nghiệm tuyệt vời.
Để chi tiêu thông minh hơn, mọi người nên chia nhỏ các khoản tiền sẽ giúp kiểm soát được dòng tiền. Khi lấy lương, chỉ cần trích ra 10 - 20% thu nhập hàng tháng tiết kiệm còn đâu mới chi tiêu. Và với số tiền tích luỹ đó, mọi người hoàn toàn có thể mang đi đầu tư. Bên cạnh đó, cũng nên cố gắng chi ra một số tiền kiếm được cho việc nâng cao kỹ năng sống và hiểu biết cho bản thân mình. Mỗi người có cách chi tiêu và tiết kiệm khác nhau. Dù vậy mọi người vẫn nên đặt ra mục tiêu và kế hoạch phù hợp cho bản thân, chỉ khi đó tiền trong tài khoản mới ngày một tăng cao.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!