Gen Z bỏ công chăm sóc da mặt xong lại thức khuya

Chia sẻ Facebook
11/06/2023 22:42:22

Dù chăm chỉ thực hiện các bước chăm sóc da mặt đầy đủ nhưng nhiều bạn trẻ lại quên mất một điều là đi ngủ sớm mới là yếu tố quan trọng giúp da khỏe mạnh, tươi trẻ.

Chăm sóc da mặt buổi tối đã trở thành một thói quen không thể thiếu của mỗi người trong mọi lứa tuổi, đặc biệt là Gen Z. Song, cố gắng skincare để có làn da căng mọng, mướt mịn nhưng lạ lùng là sau đó, các bạn trẻ vẫn tiếp tục thức đêm chứ không đi ngủ.

Dưỡng da mỗi đêm là thói quen của nhiều người.


Thủ tục không thể thiếu trước khi lên giường

Sau một ngày dài, được ngả lưng trên chiếc giường thân yêu chính là khoảnh khắc thoải mái nhất mà ai cũng mong chờ. Đây là lúc ta tắm gội để gột hết bụi bẩn trên người, sạch sẽ nhẹ nhàng thì mới yên tâm đi ngủ. Và không biết từ bao giờ, chăm sóc da đã trở thành một thủ tục không thể thiếu sau khi rửa mặt của Gen Z, làm gì thì làm vẫn không thể bỏ qua bước này.

Được ngả lưng trên giường sau 1 ngày dài là cảm giác thoải mái nhất.

Các bạn có thời gian và điều kiện thì đắp lên mặt đủ thứ nào toner, dưỡng ẩm, trị thâm, dưỡng sáng da, đơn giản hơn thì chỉ cần rửa sạch mặt trước khi ngủ để loại bỏ bụi bẩn, lớp trang điểm hay bã nhờn. Nhiều lúc cũng không biết những sản phẩm mình dùng có thực sự phù hợp và hiệu quả hay không nhưng Gen Z vẫn duy trì thói quen này dù là chỉ để thấy yên tâm hơn.

Dù hiệu quả hay không nhưng cứ dưỡng da để thấy yên tâm trước.

Mặt khác, việc chăm sóc da mặt trước khi đi ngủ có thể giúp thư giãn và giảm căng thẳng. Việc massage da nhẹ nhàng cũng giúp ta thả lòng và dễ ngủ. Chung quy lại, ai chẳng yêu cái đẹp nên đây cũng là thói quen tốt để có làn da khỏe mạnh, tươi trẻ, ta cũng tự tin hơn.

Dưỡng da cẩn thận, đủ các bước để có một làn da tươi trẻ, khỏe mạnh.


Làm đủ bước skincare nhưng lại thức khuya


Tuy nhiên, dù chăm sóc da rất cẩn thận nhưng thật lạ lùng khi sau đó, hầu như chả mấy ai đi ngủ ngay mà thức đến tận 1, 2 giờ sáng. Thu Hà (23 tuổi, ở Hà Nội) - một thành viên của Cột sống Gen Z chia sẻ: " Chắc chắn phải dưỡng da rồi, nhưng sau đó dù có lên giường nằm thì mình cũng không ngủ ngay. Dù biết nếu thức khuya thì chăm da mấy cũng thành công cốc nhưng mình không sửa được thói quen xấu này. Nếu không phải là nhắn tin, nói chuyện với bạn bè thì mình sẽ nằm xem phim, lướt mạng xã hội, chẳng mấy chốc mà 1, 2 tiếng đồng hồ nhanh chóng trôi qua ".


Thực tế, Gen Z có giờ sinh hoạt khá muộn nên giữa đêm là lúc các bạn chính thức được nghỉ ngơi, tận hưởng thời gian rảnh đúng nghĩa. Thu Hà nói thêm: " Ban ngày bọn mình bận nên chẳng có thời gian trò chuyện, chỉ có đêm về mới tán gẫu với nhau được ".

Trước khi ngủ là thời gian lướt mạng xã hội tích cực nhất.


Phương Giang (22 tuổi, ở Hưng Yên) cũng thường chăm sóc da mặt rất sớm, từ 21 giờ. Thế nhưng vì vừa đi học vừa đi làm nên cô bạn khá bận, đến nửa đêm vẫn phải thức làm bài tập và hoàn thành công việc nên có muốn cũng không ngủ sớm được. " Cứ đến giờ là mình rửa mặt, dưỡng da thôi, xong rồi mình lại tiếp tục ngồi máy tính đến khuya. Nhiều lúc mình nghĩ làm vậy thì chẳng có tác dụng gì, nhưng vớt vát nhan sắc được một chút thì cũng tốt mà ".

Thức đêm làm việc, học tập khá phổ biến ở Gen Z.


Tương tự, ngủ muộn cũng là thói quen của Anh Thơ (25 tuổi, ở Phú Thọ). Dù có deadlines cần phải xử lý hay rảnh rỗi, Thơ cũng không thể ngủ sớm được. " Mấy năm nay mình đã quen ngủ muộn rồi, rất khó sửa. Mình chăm da mặt rất kỹ, cứ 22 giờ là tẩy trang, rửa mặt, đắp mặt nạ, treatment (điều trị da mụn, nám...). Sau đó, nếu không bận gì thì mình cũng sẽ nằm lướt điện thoại, hoặc chơi game, đọc sách,... đến tầm 2 giờ sáng thì mới vào giấc được ".

Dù không làm gì vẫn thức đêm như thói quen.


Đừng để công dưỡng da hóa công cốc

Tất cả chúng ta đều biết là đi ngủ sớm là cách chăm da hiệu quả nhất vì thời gian để da phục hồi, tái tạo là từ 22 giờ đến 5 giờ sáng. Do đó, dù có đổ nhiều công sức để dưỡng da nhưng tiếp tục đi ngủ muộn thì rất khó để có làn da hoàn hảo như mong muốn. Việc tiếp xúc quá thường xuyên với ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính của các bạn trẻ cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa da, khiến da bị sạm, đi, tàn nhang, nám...


Song, không như thời ông bà hay nhịp sống chậm, yên bình ở quê, cuộc sống của Gen Z vội vàng hơn, nhiều mối bận tâm và có nhiều lý do như bận công việc, học tập, hoặc do thói quen thức khuya khó bỏ mà ít ai tuân theo được giờ sinh hoạt khoa học này. Vậy nên cũng có thể nói, ngủ muộn là điều chỉ có thể hạn chế chứ không thể tránh được, các độc giả của YAN hẳn là cũng rơi vào trường hợp như vậy phải không?

Gen Z tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính nên càng khiến da nhanh lão hóa, bị sạm đi.

Dẫu vậy, chăm sóc da mặt vẫn là ý thức và thói quen tốt, đáng được duy trì. Để phát huy hiệu quả của mỹ phẩm được sử dụng thì đi ngủ ngay sau khi thực hiện các quy trình chăm sóc da là điều rất cần thiết. Bởi vì nếu sau đó vẫn còn sinh hoạt thì những lớp kem được bôi lên mặt sẽ vô tình tạo thành một lớp "khóa" lỗ chân lông trên da, gây bít tắc thêm và dễ làm nổi mụn, tốn công nhưng lại thành công cốc. Mặt khác, giảm tiếp xúc với các thiết bị điện tủ cũng sẽ giúp ta đi vào giấc ngủ sâu hơn.

Vì vậy, dù bận rộn đến mấy hãy cố gắng đi dưỡng da và đi ngủ đúng giờ, thà dậy sớm còn hơn thức khuya để có một làn da xinh nhé.

Chăm sóc da mặt trước khi đi ngủ là một bước không thể thiếu trong quy trình làm đẹp, tuy nhiên điều quan trọng là cân nhắc và cải thiện thói quen thức khuya để bảo đảm giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Để tránh trường hợp dưỡng da đủ bước xong vẫn chưa đi ngủ ngay, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

1. Có thời gian dưỡng da cụ thể: Hãy dành đủ thời gian cho việc chăm sóc da mặt vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Điều này giúp bạn không phải vội vàng và không bỏ qua hành động quan trọng này.

2. Chỉ cần "đủ": Đừng lạm dụng quá nhiều bước chăm sóc da phức tạp vào buổi tối. Hãy chọn những sản phẩm cần thiết như sữa rửa mặt, toner và kem dưỡng, và tạo quy trình đơn giản và hiệu quả.

3. Biết quản lý thời gian: Để tránh thức khuya, hãy quản lý thời gian một cách thông minh, đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian để nghỉ ngơi và ngủ đủ vào ban đêm nhưng không ảnh hưởng đến công việc.

4. Tránh thức khuya: Nếu bạn thức khuya vì khó ngủ, mải dùng điện thoại, hãy cân nhắc giới hạn thời gian cho những hoạt động này hoặc chuyển sang việc đọc sách, tránh xa thiết bị điện tử thì sẽ dễ ngủ hơn.

5. Bảo đảm ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đủ và chất lượng rất quan trọng cho sức khỏe, hãy tạo thói quen ngủ sớm và đúng giờ.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook