GDP quý 3 của các quốc gia "chẩn đoán" gì về sức khỏe kinh tế thế giới?
Tuần qua, nhiều quốc gia đã công bố tăng trưởng GDP Quý 3/2022. Những con số này “chẩn đoán” nhiều điều về sức khoẻ của những nền kinh tế.
Sức phục hồi mạnh mẽ của kinh tế khu vực ASEAN
Một trong những báo cáo GDP Quý 3 đáng chú ý nhất đến từ khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN, Malaysia, ghi nhận mức tăng trưởng GDP trong Quý 3/2022 là 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế này đang phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19.
Trước đó, trong quý 1 và quý 2, GDP của Malaysia cũng đã tăng trưởng lần lượt là 5% và 8,9%. Con số khả quan của Quý 3 phần nào củng cố vị trí của nước này như một trong những nền kinh tế hồi phục tốt nhất Đông Nam Á giai đoạn hậu đại dịch. Số liệu thực này cũng vượt dự báo trước đó của khảo sát do Reuters và Bloomberg thực hiện.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nor Shamsiah Yunus phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng nhu cầu trong nước tiếp tục mở rộng, thị trường lao động phục hồi vững chắc và xuất khẩu mạnh mẽ là một trong những yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quý 3.
"Nền kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước vững chắc trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục cải thiện và tăng trưởng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn cũng như lượng khách du lịch cao hơn," Bà Nor Shamsiah nói.
Bà này cũng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, tăng trưởng của Malaysia vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến, tâm lý e ngại rủi ro cao hơn trên thị trường tài chính toàn cầu, xung đột địa chính trị leo thang và tái xuất hiện tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng".
Cũng trên đà tăng trưởng vượt dự báo của thị trường là Philippines. Trong khi Reuters dự báo là so với Quý 3 năm ngoái, thì Quý 3 năm nay GDP của Philippines sẽ tăng 6,3%. Con số thực được Cơ quan thống kê của Philippines (PSA) công bố hôm 10/11 vừa rồi là 7,6%. Một lần nữa, nhu cầu tiêu dùng nội địa bị kìm nén trong 2 năm đại dịch giờ được bung toả lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Philippines.
Tuy vậy, giới chức nước này vẫn cảnh báo đà tăng trưởng này vẫn đối mặt với rủi ro đến từ lạm phát tăng phi mã gây ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Đồng nội tệ peso suy yếu cũng đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 của Philippines cũng đang tiệm cận mức cao kỉ lục của 14 năm, và ngân hàng trung ương nước này vừa tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp hôm qua 17/11. Đây cũng là lần nâng lãi suất thứ 6 của ngân hàng trung ương Philippines.
Bất ngờ với GDP Quý 3 của Nhật Bản
"Bất ngờ" là cụm từ các chuyên trang tài chính lớn sử dụng để miêu tả con số tăng trưởng kinh tế suy giảm quý 3 của Nhật Bản.
Giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, GDP của đất nước mặt trời mọc suy giảm 0,3% so với quý trước, trái ngược kỳ vọng tăng trưởng 0,3% của thị trường, và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm ngoài dự báo trước đó của hãng thông tấn Reuters và của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản là tăng tới 1,2%.
Ông Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế Itochu nói rằng sai lệch lớn giữa dự báo và thực tế đến từ việc nhập khẩu lớn hơn dự kiến.
So với Quý 2/2022, trong khi xuất khẩu chỉ tăng có 1,9%, thì nhập khẩu của Nhật lại tăng tới 5,2%, trong khi chi phí năng lượng tăng cao và đồng yen Nhật suy yếu. Thâm hụt cán cân thương mại vì vậy mà kéo lùi tăng trưởng GDP Quý 3 của đất nước mặt trời mọc.
Chặng đường phục hồi của kinh tế Trung Quốc
Sớm hơn so với các quốc gia nói trên, nền kinh tế tỷ dân Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP Quý 3/2022 từ ngày 24/10.
Đó là một con số tốt ngoài mức dự báo trước đó của các chuyên gia, khi số liệu của Cục Thống kê quốc gia công bố ghi nhận thực tế GDP từ tháng 7 tới tháng 9 của Trung Quốc tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong gần bốn thập kỷ qua, tuy nhiên số liệu trên phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo China Daily, với áp lực COVID-19 thuyên giảm, triển vọng tăng trưởng cho quý 4 trở nên lạc quan khi nhu cầu thị trường cải thiện, trong khi tình hình việc làm và giá cả hàng hóa duy trì sự ổn định tổng thể. Chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc cũng đã tăng 2% trong ba quý đầu tiên.
Dấu hiệu tích cực đến từ Eurozone
Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đang là một trong những điểm nóng của thị trường toàn cầu- một phần không nhỏ vì xung đột Nga-Ukraine chưa chấm dứt khiến thị trường năng lượng và khí đốt tại châu Âu bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, GDP Quý 3 của Eurozone được công bố 2 hôm trước vẫn cho thấy đà hồi phục. Theo Reuters, tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng Euro trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, đạt mức tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ việc làm cũng tăng.
Mặc dầu vậy, Uỷ ban châu Âu EC vẫn giữ quan điểm thận trọng khi dự báo rằng nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm trong quý 4 năm nay và trong ba tháng đầu năm 2023 do giá năng lượng tăng cao và lãi suất tăng làm suy yếu sức mạnh chi tiêu và vay mượn cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
Chặng đường từ giờ tới cuối năm sẽ còn hơn 1 tháng nữa, trong đó nhiều nền kinh tế trông chờ vào những tháng lễ hội cuối năm như Noel hay năm mới để kích cầu du lịch, tiêu dùng. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ chứng kiến cuộc chiến chống lại lạm phát, và làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đóng vai trò chủ đạo trong diễn biến kinh tế cuối năm nay.