GDP Mỹ bất ngờ giảm 1.4% trong quý 1/2022
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ bất ngờ giảm 1.4% trong quý đầu năm, đánh dấu bước xoay chiều đột ngột của một nền kinh tế vừa ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1984 trong quý trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa tin trong ngày 28/04.
GDP Mỹ bất ngờ giảm 1.4% trong quý 1/2022
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo GDP tăng 1% trong quý 1.
Hàng loạt yếu tố bắt đầu giáng đòn tới nền kinh tế Mỹ trong 3 tháng đầu năm, sau khi nước này vừa ghi nhận mức tăng trưởng 6.9% trong quý 4/2021.
“Nhìn lại thì đây có thể là báo cáo mang tính bước ngoặt”, Simona Mocuta, Chuyên gia kinh tế trưởng tại State Street Global Advisors, cho hay. “Báo cáo này nhắc nhở chúng ta một điều rằng tăng trưởng đã rất cao trong thời gian gần đây, nhưng tình hình đang thay đổi và sẽ không mấy sáng sủa trong thời gian tới”.
Bất chấp báo cáo đáng thất vọng, thị trường dường như không quá chú tâm tới báo cáo này, với hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ vẫn còn khởi sắc.
Sự bùng phát của biến chủng Omicron hồi đầu năm 2022 đã kìm hãm hoạt động kinh tế trên diện rộng, trong khi lạm phát tăng trưởng ở mức chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 80 và xung đột Nga-Ukraine bắt đầu gây tác động mạnh tới số liệu kinh tế.
Mức tăng trưởng âm của GDP xuất phát một phần từ sự thụt lùi của hoạt động đầu tư hàng tồn kho của khu vực tư nhân – vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2021. Các yếu tố tiêu cực khác đến từ xuất khẩu và chi tiêu Chính phủ, cũng như đà tăng của kim ngạch nhập khẩu.
Sự suy giảm 8.5% về chi tiêu quốc phòng cũng tác động mạnh, làm giảm GDP khoảng 0.3 điểm phần trăm.
Chi tiêu tiêu dùng vẫn còn khá ổn trong quý 1/2022, tăng trưởng 2.7% mặc dù lạm phát tiếp tục gây áp lực. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại góp phần kéo giảm GDP khoảng 3.2 điểm phần trăm.
“Đây chỉ là thông tin nhiễu. Nền kinh tế vẫn chưa rơi vào suy thoái”, Ian Shepherdson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cho hay. “Giá trị thương mại ròng bị ảnh hưởng bởi đà tăng của kim ngạch nhập khẩu (nhất là hàng tiêu dùng) khi các nhà bán sĩ và bán lẻ tìm cách nhập thêm hàng tồn kho. Tình trạng này có thể không kéo dài lâu và kim ngạch nhập khẩu có thể sẽ giảm trong thời gian tới”.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ còn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu triển khai hàng loạt đợt nâng lãi suất. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – tăng 5.2% trong quý 1/2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Bên cạnh đó, Fed cũng sắp cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán ngay trong tháng 5/2022, lúc đầu sẽ chậm rãi nhưng nhịp độ sẽ nâng dần lên mức 95 tỷ USD /tháng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)