Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 10:28:10

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia do nước này vi phạm những điều khoản mua khí đốt.


Thông báo trên nền tảng nhắn tin Telegram, tập đoàn Gazprom cho biết: "Hôm nay, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia do những vi phạm trong điều khoản mua khí đốt".

Quyết định trên được đưa ra sau khi công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia cho biết họ đang mua khí đốt của Nga và thanh toán bằng đồng Euro thay vì đồng Ruble theo yêu cầu của Moscow. Hiện công ty này chưa đưa ra bình luận gì trước quyết định của Gazprom.


Truyền thông Đức ngày 25/7 dẫn thông báo của Gaprzom cho biết, tập đoàn này tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu.

Chỉ vài ngày sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức cung cấp cho các nước châu Âu qua biển Baltic được vận hành trở lại, tập đoàn Gazprom thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống này.

Trước đó, Nga đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. (Ảnh: CNN)


Cụ thể, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m 3 khí/ngày và lý do là tập đoàn phải sửa chữa một turbine khác.

Nga đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, những nước đã từ chối thanh toán bằng đồng Ruble. Nga cũng đã ngừng bán khí đốt cho công ty năng lượng Shell Energy Europe ở Đức.

Nga và các nước châu Âu đang tiến hành các biện pháp đáp trả lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng những biện pháp trừng phạt và tìm cách cô lập Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, mọi hợp đồng mua bán dầu mỏ và khí đốt của Nga đều phải thanh toán bằng đồng Ruble.

Quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ phương Tây và khiến các nước tìm cách tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Chia sẻ Facebook