Gây án mạng trong lúc say xỉn có được giảm trách nhiệm hình sự?
Trong bữa cơm, 2 người đàn ông có sử dụng rượu, sau đó xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Một trong 2 người sau đó đã tử vong do chấn thương sọ não kín. Một số người cho rằng sau khi sử dụng rượu, bia dẫn đến mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi mà để xảy ra án mạng thì có thể được miễn giảm trách nhiệm hình sự. Điều này liệu có chính xác?
CQCA đọc lệnh bắt đối tượng Lù Văn Máy. Ảnh: CA Hà Giang
Ngày 2/9, CA tỉnh Hà Giang cho biết, CA huyện Xín Mần đã thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Lù Văn Máy (SN 1989, ở huyện Xín Mần) về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, ngày 21/8, nghi phạm Máy cùng anh Trần Trung N (SN 1970, ở huyện Xín Mần) đến nhà chị Lù Thị Rúm (SN 1978, ở huyện Xín Mần) ăn cơm, uống rượu.
Trong bữa cơm, giữa Máy và anh N xảy ra mâu thuẫn, Máy đã đấm và vật lộn với anh N. Vụ việc xảy ra khiến anh N bị thương, đến ngày 23/8 được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần điều trị. Tuy nhiên, do tiên lượng nặng nên rạng sáng 29/8, anh N được gia đình đưa về nhà và đến khoảng 8h cùng ngày anh N tử vong do chấn thương sọ não kín.
Một số người cho rằng nếu để xảy ra lỗi nghiêm trọng như chết người, tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích… trong khi sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích sẽ không phải chịu hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bởi khi đó họ đã phạm tội trong tình trạng không có khả năng điều khiển hành vi và nhận thức.
Theo chuyên gia pháp lý, quan điểm này là sai lầm bởi căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Ngoài ra, việc sử dụng rượu, bia còn là tình tiết định khung hoặc tăng nặng ở một số tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, ví dụ như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ… Trong trường hợp của vụ việc này, 2 người trong bữa cơm đã sử dụng rượu, sau đó xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau và nạn nhân tử vong sau đó do chấn thương sọ não kín. Theo đó, vụ việc này rất dễ gây nhầm lẫn giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người.
Xét về mục đích, người phạm tội giết người thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân, còn người phạm tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Bên cạnh đấy, người phạm tội giết người thường thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Họ biết và nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra hoặc để mặc hậu quả xảy ra.
Còn người phạm tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người,…
Trong vụ việc này, chuyên gia pháp lý nghiêng về quan điểm người gây án phạm tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người hơn. Tội này được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và được chia làm 5 khung hình phạt.
Với trường hợp của Lù Văn Máy, nếu bị CQĐT xác định với tội danh nêu trên thì nhiều khả năng người này sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo khung 4, cụ thể người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng làm chết người thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm.
Chuyên gia pháp lý cũng cho biết, mỗi người nên chủ động phòng, tránh việc sử dụng quá đà rượu, bia, các chất kích thích, qua đó giảm thiểu những sự việc không mong muốn như trên.