Gắp hàm răng giả cắm ngang thực quản bệnh nhân

Chia sẻ Facebook
30/07/2022 23:36:46

Các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa nội soi lấy thành công dị vật là hàm răng giả tháo lắp cắm ngang trong thực quản bệnh nhân.

Bệnh nhân nữ V.T.B.L., (37 tuổi, trú tại Hậu Giang) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng vật vã, nuốt đau, nuốt vướng, huyết áp tăng.


Trước đó, bệnh nhân có dùng răng giả , móc cài bị gãy cách đây khoảng 6 tháng nhưng chưa đi kiểm tra lại, trong lúc uống nước, không may răng giả bị trôi theo, vướng vào đường thực quản.

Sau khi được tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định làm nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận cách cung răng khoảng 15cm có 1 dị vật hàm răng giả cắm ngang sau nắp thực quản, hạn chế quan sát.

Trong lúc đang thực hiện thủ thuật, bệnh nhân mệt nhiều, kích thích, vật vã nên các bác sĩ quyết định ngừng thủ thuật, sau khi tình trạng lâm sàng bệnh nhân ổn định hơn sẽ chỉ định nội soi lần nữa để lấy dị vật.

Bệnh nhân được tiến hành nội soi lấy dị vật có gây mê. Qua miệng thực quản khoảng 1cm, ghi nhận dị vật răng giả vắt ngang thực quản, các bác sĩ dùng kẹp thẳng kéo một đầu răng về vị trí thực quản, cẩn thận lấy dị vật hàm răng giả ra ngoài.

Kiểm tra lại thấy có vết xước, giả mạc trắng, niêm mạc không còn chảy máu. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau cổ, ăn uống tốt, được chỉ định xuất viện.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thường tiếp nhận các trường hợp nuốt răng giả buộc phải nội soi cấp cứu như trên. Theo thời gian, răng giả không còn bám chắc vào khung răng nên dễ tuột trong quá trình sinh hoạt như: ăn uống, hắt hơi… hoặc không tháo răng giả khi ngủ.

Khi bệnh nhân nuốt phải răng giả, thông thường móc cài của răng giả sẽ bị mắc tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn. Bệnh nhân có thể tử vong nếu móc sắt chọc trúng mạch máu lớn, gây chảy máu ồ ạt.

Ngoài ra, nếu nhập viện muộn, móc sắt có thể gây tổn thương, nhiễm trùng vùng giữa ngực, bệnh nhân có thể chết do sốc nhiễm trùng. Khi bị răng giả rơi vào đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, đến càng sớm thì việc can thiệp thực hiện lấy dị vật sẽ thuận lợi hơn.

Do đó, những bệnh nhân có lắp răng giả cần cẩn trọng nhai kỹ, uống chậm, không vội vàng trong quá trình ăn uống để tránh nuốt sặc dễ khiến dị vật rơi lọt vào thực quản và dạ dày, nhất là với những người đeo răng giả có thể tháo rời.

Trường hợp sử dụng răng giả tháo lắp cần được kiểm tra định kỳ để bác sĩ chỉnh lại hoặc thay mới theo sự tiến triển của xương hàm, không nên đeo hàm răng giả cả ngày, cần tháo hàm ra để vệ sinh sau khi ăn hoặc trước khi ngủ.


Khi phát hiện mắc phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ Facebook