Gặp gỡ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Hàn Quốc mong 'hứa thì giữ lời'
Các đại diện phía Hàn Quốc bày tỏ mong muốn được đầu tư tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng hy vọng lãnh đạo các địa phương thực hiện đúng cam kết, không để nhà đầu tư vướng "rào cản".
Ngày 13-5, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) diễn ra sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2022" do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Dự sự kiện có khoảng 500 đại biểu, trong đó có lãnh đạo 11 tỉnh, TP ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng 150 đại diện của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc.
Gọi mời khai phá tiềm năng
"Gặp gỡ Hàn Quốc 2022" diễn ra với 2 phiên, bàn về hợp tác đầu tư của Hàn Quốc với các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Hầu hết lãnh đạo các tỉnh, thành Nam Trung Bộ - Tây Nguyên được mời phát biểu đều giới thiệu tiềm năng, lợi thế rất lớn của địa phương nhưng chưa được khai thác tương xứng. Từ đó họ "trải thảm đỏ" mời các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu, đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, cảng biển, dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, xử lý chất thải…
"Hiện Bình Định mới có 4 dự án của Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 100 triệu USD. Đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh. Chúng tôi mong các nhà đầu tư Hàn Quốc đến nhiều hơn với Bình Định, với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tư thế những vị khách quý đầu tiên khai phá tiềm năng lợi thế của khu vực này. Nhiệm vụ và cũng là cam kết của chúng tôi là đón các vị như khách quý" - ông Nguyễn Phi Long - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - giới thiệu.
Ông Hồ Ngọc Thành - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cũng mong đón các nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp chế biến sau nông nghiệp và xây dựng hạ tầng khu du lịch mang tầm quốc tế. "Nghĩa là tỉnh muốn thu hút đầu tư theo chiều sâu" - ông Thành bày tỏ.
Còn ông Đào Mỹ - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - đề xuất các nhà đầu tư Hàn Quốc nên tính toán để xác định quy mô đầu tư, hình thành chuỗi cùng hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực.
Ông Lee Jong Seob - chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, tổng giám đốc KOTRA Hà Nội - nói rằng thời gian qua, nước này đầu tư chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư sang miền Trung và Tây Nguyên.
Theo ông, việc chọn lựa đầu tư không chỉ là khai thác tiềm năng, mà còn tạo ra sự cân bằng phát triển giữa các khu vực với nhau.
Tất cả lãnh đạo các tỉnh, thành cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, cải cách hành chính mạnh mẽ, giải quyết nhanh chóng vướng mắc để các nhà đầu tư Hàn Quốc sớm thực hiện dự án.
Mong giữ lời hứa
Ông Shon Young Il - chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM) - thẳng thắn nói rằng hầu hết các địa phương đều cam kết, hứa hẹn khi mời chào nhà đầu tư, nhưng thực tế khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào một số tỉnh thì "va vào ngay những bức tường, những rào cản". Ông nói lãnh đạo tỉnh cam kết và quyết tâm, nhưng làm việc với chuyên viên cấp dưới thì rất nhiêu khê.
"Hy vọng những tuyên bố và cam kết mạnh mẽ mà lãnh đạo các địa phương tuyên bố tại gặp gỡ hôm nay sẽ được thực hiện đúng. Những cuộc gặp gỡ thế này cần được tổ chức nhiều hơn để tạo nên kênh thông tin hai chiều, giải quyết nhanh nhất những vấn đề phát sinh để hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả" - ông Shon ý kiến.
Theo ông, hiện 70% doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực chế tạo nên cần lượng lao động lớn, có tay nghề. Bởi vậy, các địa phương ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần có đánh giá chính xác, chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực để sẵn sàng cho các dự án.
Trong khi đó, ông Kwon Ki Man - tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM - đề nghị các tỉnh tập trung thu hút đầu tư mới nhưng cũng không để quên chính sách, cơ chế đối với những doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư trước đó.
Ông Park Noh Wan - đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - bày tỏ: "Tôi hy vọng tiếp tục có thêm sự ủng hộ, chỉ đạo của chính quyền địa phương, cố gắng tạo thành mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa khối chính phủ và khối doanh nghiệp. "Gặp gỡ Hàn Quốc" không chỉ dừng lại ở đây, mà hiện thực hóa bằng hành động thiết thực về sau nhằm tiếp nối, mở ra sự hợp tác mới".
5 ấn tượng rõ rệt
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận xét rằng "Gặp gỡ Hàn Quốc 2022" đã tạo 5 ấn tượng rõ rệt.
Thứ nhất là đã có sự hứng khởi, tự tin, mở hướng để tăng cường đầu tư của Hàn Quốc tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thứ hai, đây là thời điểm rất thuận lợi để khởi đầu mới cho mối quan hệ của hai bên với những cam kết, kế hoạch tăng cường hợp tác bài bản.
Thứ ba, có nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các địa phương khi lợi thế, tiềm năng rất lớn, đa dạng nhưng chưa được khai phá, từ đó xác định được những lĩnh vực đôi bên tăng cường hợp tác, phát triển.
Thứ tư là song trùng lợi ích và triết lý phát triển, đó là phía Hàn Quốc tăng cường đầu tư ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm góp phần phát triển bền vững khu vực này, cân bằng phát triển với các khu vực khác của Việt Nam.
Thứ năm là đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc, cần giải quyết để cùng phát triển.
Sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2022" sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Định với các hoạt động được hy vọng tạo chuyển biến mới trong hợp tác, thu hút đầu tư giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam với Hàn Quốc.