Gặp câu hỏi phỏng vấn khó, làm sao để “ghi điểm”?

Chia sẻ Facebook
24/01/2024 04:06:39

Không ai muốn gặp các câu hỏi phỏng vấn khó nhưng đây là điều khó tránh khỏi khi tìm việc. Vậy, bạn nên xử lý các câu hỏi đó ra sao? Vài gợi ý sau đây sẽ giúp bạn.


Tận dụng thời gian

Hầu hết ứng viên đều bộc lộ sự bối rối khi gặp câu hỏi khó. Điều này dẫn đến việc mất bình tĩnh và vội vàng đưa ra câu trả lời thiếu chính xác. Nó khiến bạn làm xấu đi “hình ảnh” bản thân trong mắt nhà tuyển dụng. Vì thế, bạn không nên vội vã thể hiện ngay khi gặp câu hỏi khó.

Hãy khéo léo xin thêm thời gian để tư duy và suy nghĩ cẩn trọng trước khi trả lời. Bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng nhắc lại câu hỏi hoặc nói: “Câu hỏi này thật sự thú vị, em có thể xin thêm vài phút để suy nghĩ kỹ lưỡng không?”. Bằng cách phản ứng như vậy, bạn mang đến hình ảnh ứng viên bình tĩnh và tích cực trong mắt nhà tuyển dụng. Bản thân bạn cũng phần nào giải tỏa áp lực trước câu hỏi khó. Đồng thời tận dụng thời gian và tập trung tối đa để tìm câu trả lời chính xác, rõ ràng.


Đặt câu hỏi ngược và chia nhỏ vấn đề


Một trong cách giúp bạn vượt qua câu hỏi phỏng vấn khó khi tìm việc làm ở Bình Dương , Đồng Nai, TPHCM… là đặt lại câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Điều này thực sự hiệu quả với câu hỏi quá rộng, chứa nhiều hàm nghĩa mà bản thân bạn cũng chưa hiểu rõ. Bằng câu hỏi ngược, bạn hiểu động cơ câu hỏi, điều nhà tuyển dụng muốn lắng nghe. Thậm chí nếu câu hỏi quá phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, bạn có thể chia nhỏ từng vấn đề và hỏi lại nhà tuyển dụng.

Ví dụ, “Có phải câu hỏi của anh/chị liên quan đến các vấn đề sau không…?” Khi phân chia thành các vấn đề nhỏ, bạn hiểu rõ hơn về điều nhà tuyển dụng muốn có câu trả lời. Hơn nữa, nó giúp bạn từng bước giải mã, tháo gỡ câu hỏi và đưa ra câu trả lời chính xác.


Chuyển hướng câu trả lời

Nhà tuyển dụng thường làm khó ứng viên bằng cách xoáy vào những điểm yếu. Nếu trả lời trực tiếp vào vấn đề đó, bạn rất dễ “mắc bẫy” và để lộ hạn chế của bản thân. Trong tình huống này, bạn có thể chuyển hướng sang các điểm mạnh. Tất nhiên, câu trả lời cần đảm bảo có liên quan đến vấn đề nhà tuyển dụng đề cập.

Ví dụ: Nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử, điều mà bạn chưa có kinh nghiệm. Hãy khéo léo chuyển hướng bằng cách nói về kỹ năng, năng lực bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng, hay trên Facebook, Tiktok… hoặc lĩnh vực mà bạn có kinh nghiệm. Sau đó bạn có thể mở rộng ý bằng cách nói: “Với năng lực đó em rất hứng thú với vị trí mới này và tin tưởng có thể tận dụng tốt kinh nghiệm trên để hoàn thành xuất sắc công việc mới” để khẳng định thêm năng lực bản thân.


Trả lời trung thực và dám nhận trách nhiệm

Không ít nhà tuyển dụng đặt câu hỏi phỏng vấn khó không phải cần câu trả lời chính xác từ ứng viên. Đơn giản họ chỉ muốn hiểu rõ hơn về cách bạn đối diện với vấn đề và xử lý nó. Do đó, với một số tình huống thì nói lên suy nghĩ một cách chân thành, trung thực lại giúp bạn gây ấn tượng.

Ví dụ: Với vấn đề liên quan đến sai lầm ở công việc cũ, thành tích hay hạn chế thì cách tốt nhất là bạn nên nhận khuyết điểm, thiếu sót thậm chí là trách nhiệm về mình. Đồng thời hãy cho thấy những điểm tốt của bạn như: sự sáng tạo, tinh thần cầu tiến... Qua đó để nhà tuyển dụng hiểu, bạn đã và đang không ngừng hoàn thiện bản thân sau những sai lầm ở quá khứ. Bằng sự chân tình ấy, bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.


Từ chối lịch sự

Cho dù nhà tuyển dụng “cố tình” thử thách thì cũng không có nghĩa bạn phải trả lời mọi câu hỏi mà họ đưa ra. Đặc biệt với những câu hỏi nhạy cảm, liên quan đến cá nhân như gia đình, tôn giáo, giới tính… nếu không sẵn sàng chia sẻ, bạn có thể không trả lời. Điều quan trọng là cách bạn từ chối làm sao cho lịch sự, khéo léo để vừa cho thấy sự hiểu biết của mình, vừa không khiến nhà tuyển dụng khó xử.

Điều này cần bạn chuẩn bị trước một số cách từ chối để không bị lúng túng nếu rơi vào tình huống đó. Hơn nữa, dù câu hỏi bạn nhận được là gì thì cần phải hiểu động cơ, mục đích nhà tuyển dụng. Bằng cách đó bạn có thể không trả lời câu hỏi nhưng vẫn chỉ ra điều nhà tuyển dụng muốn biết. Đó là cách ứng xử khiến bạn được đánh giá cao.


Trên đây là 5 cách bạn có thể áp dụng khi gặp câu hỏi phỏng vấn khó. Dù áp dụng cách nào thì đòi hỏi bạn cần phải chuẩn bị chu đáo trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. Trong quá trình phỏng vấn bạn cần giữ sự bình tĩnh và tự tin để làm tăng tính thuyết phục cho câu trả lời. Làm được như vậy bạn sẽ có nhiều hơn 5 cách ứng xử để xoay chuyển cục diện và ghi điểm với nhà tuyển dụng khi gặp câu hỏi khó.


Nguyễn Lý

Chia sẻ Facebook