Gạo ST25 Việt Nam vào thực đơn Văn phòng Nội các Nhật Bản, giá đắt hơn gạo Thái Lan và đối tác đề nghị nhập nhiều thêm

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 10:34:58

Lần đầu tiên gạo ST25 thương hiệu AAN của Việt Nam được sử dụng trong thực đơn, nhanh chóng trở thành “bữa trưa đặc biệt” của các quan chức Văn phòng Nội các Nhật Bản...

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH Spice House - đơn vị phân phối gạo AAN ST25 ở Nhật Bản cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi và Công ty Suntomi International (công ty nhập khẩu) để đưa gạo ST25 của Việt Nam (từng đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” vào năm 2019) tới người tiêu dùng Nhật Bản.

Để chính thức lưu hành tại thị trường này, gạo AAN ST25 phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của Chính phủ Nhật Bản cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Do vậy, đưa được gạo AAN ST25 vào thị trường Nhật bản là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại.


Đối tác Nhật Bản đề nghị tăng quy mô nhập gạo AAN

Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tân Long Group - đơn vị xuất khẩu thành công gạo ST25 thương hiệu AAN sang thị trường Nhật Bản cho biết, ngay từ ban đầu, chủ trương của Tân Long và nhà nhập khẩu muốn đưa gạo AAN ST25 vào Văn phòng Nội các Nhật Bản, vì đây là nơi sẽ kiểm tra chất lượng gạo ST25 của Việt Nam, và vì Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí để công ty đưa hàng qua đây như kinh phí nghiên cứu ban đầu, kiểm định, đánh giá và kiểm tra phân tích về hóa chất ở phòng lab…


Ông Nguyễn Chánh Trung tại sự kiện ra mắt gạo AAN tại Nhật Bản

“Chi phí kiểm định để đưa gạo vào Nhật Bản rất đắt. Lô gạo xuất khẩu vừa rồi khoảng 13.000 USD. Mức phí kiểm định như vậy là quá lớn đối với ngành gạo, nhưng chúng tôi may mắn được Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho khoảng chi phí này.

Phía đối tác đã có kế hoạch đặt hàng lâu dài, nhận hàng xong đưa vào trữ trong kho mát để giữ chất lượng gạo luôn ổn định thời gian 6 tháng và phân phối đi các siêu thị, các điểm bán lẻ.

Sau khi nhận được 100 tấn hàng đầu tiên, phía đối tác có đề nghị tăng quy mô nhập khẩu gạo AAN, tùy theo nhu cầu thị trường con số có thể tăng gấp nhiều lần.

Ở thị trường Nhật Bản, gạo ST25 thương hiệu AAN được đưa vào phân khúc gạo cao cấp nhất và có giá đắt hơn cả gạo Thái Lan. Tân Long đang lên kế hoạch, đầu năm 2023 sẽ đưa đều đặn các lô gạo AAN ST25 sang thị trường Nhật Bản từ 100 tấn - 200 tấn/chuyến”, Phó tổng giám đốc Tân Long Group chia sẻ.

Xu hướng tăng trưởng bền vững ở thị trường Nhật Bản

Gạo ST25 được phổ biến rộng rãi ở thị trường Nhật Bản như hiện nay nhờ quan hệ kinh doanh của Gạo AAN - Tân Long với các đối tác Nhật Bản, thông qua Ban dự án của Ngân hàng Kiraboshi Nhật Bản tổ chức xúc tiến.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cũng đã quan tâm và tích cực thúc đẩy thương vụ này, bao gồm cả việc giới thiệu khách hàng, các công ty phân phối tại Nhật, công tác đưa tin về sự kiện…

Riêng phần đưa gạo AAN vào Văn phòng Nội các Nhật Bản ông Minh cũng đã giúp đỡ rất nhiều, cho nên bây giờ Văn phòng Nội các Nhật Bản mới chấp nhận tiêu thụ gạo ST25 thương hiệu AAN.

Bên cạnh đó, với khoảng 1,5 triệu người dân các nước Đông Á như: Trung Quốc, Việt Nam (khoảng 450.000 người), Philippines… đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, lâu nay họ vẫn tìm các loại gạo thơm hạt dài của Việt Nam để mua nhưng không dễ, buộc phải mua gạo của Thái Lan; khi gạo AAN ST25 có mặt ở thị trường Nhật sẽ được họ ủng hộ nên chỉ cạnh tranh với phân khúc khách hàng bản địa.


Người tiêu dùng Nhật Bản chọn gạo AAN ST25

“Về lâu dài, nhu cầu và tiềm năng tăng trưởng gạo AAN ST25 ở Nhật Bản khá lớn chứ không chỉ dừng lại những lô gạo 500 hay 1.000 tấn, nhưng phải đi từng bước, vì khi đi vào phân khúc bán lẻ 1.000 tấn, tương đương 200.000 túi gạo loại 5 kg, như vậy quy mô vào thị trường kênh bán lẻ là không nhỏ. Năm đầu tiên xây dựng thị trường như vậy để đảm bảo tính an toàn, hàng hóa đáp ứng vừa đủ nhu cầu, không bị thừa dẫn đến lưu trữ quá lâu giảm chất lượng.

Đối với khối lượng gạo nhập khẩu, công ty để cho đối tác quyết định vì họ chịu trách nhiệm về mặt tiêu thụ, khi tín hiệu thị trường tốt họ sẽ tính toán và lên kế hoạch tăng nhập khẩu.

Chúng tôi không đặt kỳ vọng quá lớn vào số lượng mà muốn duy trì thị trường cho thật là tốt vì chất lượng là quan trọng nhất. Phía đối tác cũng hiểu ý của chúng tôi về mặt kỹ thuật nên khi hàng về tới Nhật họ trữ trong kho mát để bảo quản chất lượng thật tốt”, ông Trung cho biết.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 48,7 triệu Yên và chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật Bản.


Tiếp tục thâm nhập thị trường mới

Tân Long đang sản xuất hai dòng lúa ST25: ST25 lúa - tôm theo hướng hữu cơ và ST25 thường. Các tiêu chí về hóa chất và kim loại nặng của gạo ST25 lúa - tôm hướng hữu cơ được kiểm soát tốt nên công ty yên tâm xuất khẩu vào Nhật Bản, bởi lâu nay Nhật Bản nổi tiếng là thị trường có tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm bật nhất thế giới.

Để có đủ nguồn cung gạo ST25 lúa - tôm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, năm 2022 công ty sẽ xuống giống khoảng 3.000 ha. Quy mô này không chỉ đủ phân phối thị trường nội địa, xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn có thể thâm nhập thêm một vài thị trường mới.

Và tháng 10 tới đây Tân Long sẽ đưa ST25 lúa - tôm đi dự hội chợ ở Paris (Pháp).

Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin, gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn một năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.

Như vậy, việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.


Theo Nguyễn Huyền

Chia sẻ Facebook