Gánh xôi 45 năm ở "chợ nhà giàu", bà chủ bán mỏi tay nhờ công thức đặc biệt

Chia sẻ Facebook
27/05/2023 08:19:58

Suốt 45 năm qua, bà Tô Thị Lan Anh (58 tuổi) luôn thức dậy vào lúc 1h sáng, cặm cụi vo nếp, hấp xôi và mang ra "chợ nhà giàu" Phùng Hưng (Quận 5, TPHCM) bán.

Khoảng 6h30 mỗi ngày, gánh xôi nếp của bà Lan Anh đã được vây kín bởi hàng chục khách hàng quen. Xôi được bà đặt trong nồi hấp, lửa than luôn âm ỉ cháy để giữ được độ nóng suốt 6 tiếng liền.

Xôi mặn với trứng cút, lạp xưởng, chả lụa… đầy ắp. Xôi nếp than được gói trong bánh phồng, có lớp nhân đậu xanh thơm lừng hòa quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy, rắc thêm đậu phộng giã nhuyễn.

Mỗi phần xôi bán với giá 15.000-20.000 đồng, được bà gói trong thời gian chưa đầy 1 phút. Hiện gánh xôi có bà Lan Anh và 2 người trong gia đình đứng phụ bán.

Bà Lan Anh nhanh tay lấy xôi cho khách (Ảnh: Diệp Bình).

Thói quen "nhanh tay lẹ chân" được bà hình thành từ những ngày đầu tiên bán ở "chợ nhà giàu", cách đây 45 năm. Nhiều người đặt cho chợ Phùng Hưng (quận 5) cái tên "mĩ miều" này, bởi vật giá ở chợ này thường "nhỉnh" hơn nơi khác, đổi lại thực phẩm luôn là loại nhất, chất lượng.

Bà Lan Anh học nghề nấu xôi từ bà nội. Năm 1978, bà tách khỏi gánh xôi của bà nội tại khu chợ Xóm Củi (quận 8) sang chợ Phùng Hưng bán. Quận 5 vốn có nhiều người Hoa sinh sống, xôi bà Lan Anh dần biến tấu trở nên phù hợp với khẩu vị của họ.

Phần xôi có giá 20.000 đồng (Ảnh: Diệp Bình).

"Cải xá bấu (củ cải muối) là nguyên liệu đặc biệt nhất. Xôi nếp dẻo ăn kèm lạp xưởng, chà bông, thịt nguội… đôi khi họ sẽ bị ngấy, thêm cải xá bấu vào là cân bằng hương vị. Nó giúp xôi có thêm độ mặn vừa phải, gia tăng hương vị, dậy mùi thơm", bà Lan Anh giải thích.

Người phụ nữ 58 tuổi tâm niệm, nguyên liệu tốt sẽ cho ra sản phẩm tốt. Vì thế, suốt 45 qua, bà Lan Anh luôn tự tay ngâm nếp dẻo, giã đậu phộng, nghiền đậu xanh, cắt bánh phồng… Với nguyên liệu lạp xưởng, bà thường chọn cách hấp thay vì chiên như thông thường để giữ được độ mọng nước, thơm béo.

Bà Lan Anh hiện có 2 người phụ bán (Ảnh: Diệp Bình).

Khách đến gánh xôi của bà Lan Anh đa số là dân lao động, học sinh… Đa phần, họ thích thú trước món xôi nếp than được gói trong bánh phồng lạ mắt, có độ ngọt béo vừa phải của dừa bào. Đặc biệt, ngày rằm hoặc ngày đầu tháng, bà Lan An lại làm thêm xôi gấc, ép thành chữ "phúc", để phục vụ việc thờ cúng của người Hoa.

Xôi được đặt trong bánh phồng rồi cuốn lại (Ảnh: Diệp Bình).

Gánh xôi trở nên nổi tiếng đối với người dân khu vực quận 5. Thậm chí, nhiều người đến ăn từ khi còn là học sinh, đến lúc ra trường, lập gia đình vẫn ghé gánh xôi mỗi sáng như thói quen.

Phần nguyên liệu ngon sẽ cho ra món xôi chất lượng (Ảnh: Diệp Bình).


Đầu năm 2023, giá nguyên liệu tăng "chóng mặt" nhưng bà Lan Anh vẫn cố gắng giữ giá xôi như trước không thay đổi. "Tôi từng có thời gian nhiễm Covid-19 nặng phải chuyển đi cách ly. Tại khu điều trị, tôi rất sợ nhưng được bác sĩ, những người xa lạ động viên để vượt qua.

Trở về nhà, tôi thấy tiền bạc không còn quá quan trọng, tôi muốn sống phải góp giá trị gì đó cho xã hội. Gói xôi 15.000-20.000 đồng vẫn được giữ nguyên, lời ít một chút cũng được, nhưng giúp được dân lao động no bụng", bà nói.

Trước đó, bà từng rơi nước mắt khi thấy người đàn ông bốc vác xin gói xôi 5.000 đồng, chỉ cần chan nước tương.

Gánh xôi đông đúc nhất vào khung thời gian từ 6-8h (Ảnh: Diệp Bình).


Mỗi ngày, bà Lan Anh bán khoảng 20kg xôi, khoảng 200 phần. Theo tiết lộ của anh Minh Quốc - cháu ruột của bà Lan Anh, gia đình anh có truyền thống bán xôi. Các dì phân chia nhau bán tại chợ Phùng Hưng, chợ Xã Tây (quận 5). Nhờ nghề truyền thống này, gia đình thu nhập tốt trang trải cuộc sống, một trong số những người dì của anh có thể đi du lịch châu Âu nghỉ dưỡng vào mùa hè.

Chia sẻ Facebook