Gánh nặng mặt bằng đè nặng sân khấu
Mới đây, NSND Hồng Vân tuyên bố sân khấu kịch Hồng Vân không còn diễn định kỳ và chuyển sang phương thức biểu diễn mới. Một trong những khó khăn là tiền thuê rạp sẽ tăng lên gấp rưỡi và nếu diễn hằng đêm không thể trụ nổi.
Trước đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng công bố ngưng diễn định kỳ, chỉ diễn theo mùa khiến những người yêu sân khấu tiếc nuối. Hầu hết các đơn vị này đều phải thuê mướn mặt bằng với chi phí khá cao.
Thuê rạp 100 triệu đồng diễn 1 suất hát
Chuyện thiếu nhà hát biểu diễn được người làm nghề nói rất nhiều năm qua.
Chính vì không có những nhà hát, rạp hát đúng nghĩa nên khi thuê mướn hội trường, các đơn vị xã hội hóa đều phải cải tạo lại để có thể biểu diễn được. Và thuê mướn (thường theo từng năm) nên cũng ít ông bà bầu nào dám đầu tư, nâng cấp rạp để đáp ứng điều kiện kỹ thuật theo xu hướng hiện đại vì rủi ro khá cao.
Nhà hát kịch 5B may mắn được Hội Sân khấu TP.HCM hỗ trợ mặt bằng nhưng cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp. Muốn lên xem kịch, nhiều khán giả trong đó có người già, phải leo 3 tầng lầu rất mệt. Mỗi lần đang diễn mà trời mưa là khán giả nghe rõ mồn một, diễn viên phải gào to để... át tiếng mưa.
Bà bầu Mỹ Uyên thường xuyên phải móc tiền túi để gia cố chống dột, dọn rác máng xối... Với những rạp hát xuống cấp, tạm bợ như thế mà các sân khấu phải cầm cự để diễn thì khó có thể nói đến việc đầu tư những máy móc, trang thiết bị hiện đại để tạo nên màu sắc lung linh, hấp dẫn cho các vở diễn.
Nếu ông bà bầu nào "chịu chơi" đầu tư những vở hoành tráng thì chỉ có được 1, 2 nhà hát tạm đáp ứng được như nhà hát Bến Thành, Nhà hát thành phố... Thế nhưng giá thuê nhà hát rất cao.
Như chia sẻ của soạn giả Hoàng Song Việt, với vở Nàng Xê Đa một suất cộng với 2, 3 buổi ráp vở ở nhà hát Bến Thành tiền thuê rạp lên đến 100 triệu (đã có ưu đãi cho cải lương) thì nhà đầu tư cũng khó gồng gánh và thường phải chịu lỗ.
Một ông bầu sân khấu mát tay trong những năm qua - NSƯT Kim Tử Long - kể: để chạy tìm kiếm địa điểm "định cư" cho đoàn nhà rất khó khăn. Nơi ưng ý thì giá quá cao, chỗ giá chấp nhận được thì lại xa trung tâm thành phố.
"Ngày xưa mỗi đoàn hát được cấp trụ sở có chỗ nhân sự hoạt động, có nơi cất cảnh trí, âm thanh, ánh sáng... Giờ làm gì có. Mà cứ diễn từng vở, cảnh trí càng ngày càng nhiều cồng kềnh không có kho bãi để chứa", NSƯT Kim Tử Long nói.
Đôi bên cùng khó, gỡ ở đâu?
Khi nghệ sĩ Hồng Vân hết hợp đồng với Trung tâm văn hóa Phú Nhuận, NSƯT Trịnh Kim Chi đã lên tiếng sẽ tiếp quản để giữ cho nơi đây sáng đèn hằng tuần. Chị đang trong quá trình trao đổi, làm việc với ban giám đốc trung tâm và cũng chia sẻ với những quy định nhà nước.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng bày tỏ rằng: "Tôi và chị Vân nói với nhau giờ mà bám sân khấu là chỉ vì đam mê thôi vì xác định phải bù lỗ. Nhưng đúng là với giá thuê rạp theo quy định mới thì cũng khá vất vả cho những người đầu tư làm sân khấu".
Trước những băn khoăn của các nghệ sĩ quản lý sân khấu, ông Phan Lê Tường Linh - giám đốc Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận - chia sẻ trung tâm là đơn vị tự chủ tài chính và cũng gặp những khó khăn riêng, đặc biệt sau mùa dịch bệnh COVID-19.
Với quy định mới, tổng cộng tiền thuê đất năm 2022 của trung tâm là hơn 7,6 tỉ đồng. Do đó, trung tâm phải tính toán lại tiền thuê với các đối tác. Sân khấu Hồng Vân trước đây diễn suất nào thì tính tiền suất đó, giá 4,5 triệu đồng/suất.
Còn hợp đồng mới giá tăng lên 6,5 triệu đồng/suất. Cái khó thứ hai là theo nghị định 60, trung tâm chỉ có thể ký hợp đồng 3 tháng, không thể ký 1 - 2 năm.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết họ đã được giải thích về những quy định của Nhà nước trong vấn đề thuê mướn rạp. Họ vẫn mong muốn Nhà nước xem xét, có những ưu đãi để hỗ trợ người làm sân khấu trong điều kiện khó khăn hiện nay trước nguy cơ các sân khấu kiệt sức.
Nghệ sĩ Kim Tử Long mong được ưu đãi một rạp hát mà anh có thể ký hợp đồng cả năm để trở thành điểm diễn quen thuộc của khán giả.
Anh nói có đề nghị nhà hát Trần Hữu Trang cho anh 2 đêm diễn trong tuần suốt 1 năm và giá thuê mỗi đêm có thể giảm xuống khoảng 8 - 9 triệu đồng/suất để trụ được. Tuy nhiên nhà hát cho biết hiện chưa có quy chế để làm điều đó.
Muốn diễn ở nhà hát đẹp nhưng sợ tiền thuê
Gây chú ý khi đầu tư dàn dựng những vở chính kịch, kịch lịch sử, NSND Hoàng Yến tâm sự chị chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm được lợi nhuận, thậm chí luôn sẵn sàng bù lỗ khi theo đuổi dòng kịch kén khán giả này.
Chị cho biết một trong những gánh nặng mà những nghệ sĩ yêu chính kịch như chị đang đối diện là gồng gánh việc thuê rạp. "Đi thuê rạp ở những nơi bình thường là khoảng 6 - 7 triệu đồng một đêm rồi. Tôi cũng thích nhà hát Trần Hữu Trang nhưng giá thuê bên đó là 13 triệu nên tôi không thuê nổi.
Tôi cứ mong sao Nhà nước ưu đãi một rạp hát tạo điều kiện cho các đoàn dựng vở đạt chất lượng vô luân phiên biểu diễn. Chúng tôi được ưu đãi chỉ phải trả tiền điện, nước thôi. Từ đó chúng tôi sẽ nỗ lực dựng vở hay để nhận được ưu đãi đó"- chị nói.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf cho biết chi phí thuê mặt bằng chiếm không nhỏ trong chi phí của sân khấu xã hội hóa. Với 285 ghế của sân khấu Idecaf, mỗi đêm diễn phải dành riêng trên dưới 50 vé để trả tiền rạp. Và như vậy, trong tình hình khán giả đến rạp thưa vắng như hiện nay, có sân khấu có suất chỉ bán được 50, 60 vé thì số thu chỉ đủ trả được tiền rạp.
Nhưng với kinh nghiệm hợp tác "êm ấm" 27 năm với Idecaf, 17 năm với Nhà văn hóa Lao động TP.HCM (múa rối nước Rồng Vàng), 17 năm sân khấu Trần Cao Vân và các chương trình Ngày xửa ngày xưa nhiều năm ở nhà hát Bến Thành, ông Tuấn phân tích: khoảng 2 năm tiền mặt bằng lên khoảng 5% và đó là lên theo giá điện nước.
Đặc biệt những năm gần đây, Nhà nước đã siết lại việc cho thuê tài sản công, quy định mới tính theo diện tích mét vuông khiến giá các địa điểm thuê đều phải tăng. "Như với sân khấu chúng tôi, hiện một suất diễn cộng thêm thuế VAT có giá thuê khoảng 10,5 triệu đồng", ông Tuấn nêu.
Khó chồng khó
Nhiều năm nay, sân khấu thành phố lâm vào căn bệnh trầm kha với rất nhiều khó khăn. Các loại hình giải trí trên mạng lên ngôi hết sức đa dạng và hấp dẫn. Chỉ cần tivi, điện thoại ngồi ở nhà người ta có thể xem cả thế giới. Từ phim ảnh, gameshow, web drama, tiểu phẩm hài, ca nhạc, nhảy múa... đủ cả.
Trong khi đó, theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, tính cạnh tranh của sân khấu bây giờ quá yếu. Kịch bị lạc hậu, thiếu đủ thứ, quan trọng nhất là kịch bản. Trước sự phát triển rầm rộ của truyền thông nghe nhìn tại nhà thì không chỉ kịch nói mà những loại hình biểu diễn, tương tác trực tiếp hằng đêm đều đang gặp khó khăn.
Sân khấu kịch hiện tại không nuôi nổi nghệ sĩ. Nếu ngày xưa ông bầu giữ chân ngôi sao bằng cách ký hợp đồng khiến người ta có thể mua nhà, mua xe hơi thì sân khấu kịch bây giờ chỉ có thể giữ chân nghệ sĩ bằng tình cảm, bằng niềm tin.
Để sáng tạo một vở kịch tử tế, nghiêm túc, sân khấu Hoàng Thái Thanh phải mất mấy tháng trời để chuẩn bị, hoàn thiện kịch bản. Rồi tập hợp anh em tập dợt cả tháng trời. Khi vở công diễn, diễn viên chính khóc cười suốt hai tiếng rưỡi trên sân khấu mà catsê cao lắm chỉ từ 1 - 2 triệu đồng, một tháng diễn vở đó chỉ được 1, 2 suất.
Nếu so sánh khi đi làm phim, diễn viên chính đó mất chỉ độ 1 - 2 tháng mà có thể nhận catsê cả trăm triệu đồng. Một sự chênh lệch quá lớn!
Trong lần gặp gỡ báo chí gần đây, NSƯT Thành Hội từng chia sẻ nghệ sĩ Thế Hải của sân khấu Hoàng Thái Thanh phụ trách sắp lịch diễn cho diễn viên muốn... trầm cảm. Vì vở 10 người, 9 người đồng ý, 1 người bận là coi như phải bỏ sắp lịch lại từ đầu, mà 1 tháng sắp 12 suất diễn như thế muốn điên cả đầu.
Thế nhưng Thành Hội cho rằng không thể trách anh em vì ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Và như vậy, sân khấu nào cũng chung cảnh ngộ, cũng căng thẳng vì chuyện diễn viên chạy sô. Nhiều suất diễn bị hủy, vì nghệ sĩ kẹt sô...
Cùng quan điểm với ông Tuấn, nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như đều đau đáu với việc tìm kiếm kịch bản sân khấu hay. Thậm chí Thành Hội còn tuyên bố có kịch bản hay, sân khấu sẽ có thêm động lực, sự hứng khởi để có thể duy trì hoạt động thêm nhiều năm nữa.
Ngoài phân tích sự yếu kém của sân khấu hiện nay, ông Tuấn cũng nhìn thấy bất cập về những tác nhân tác động khiến người ta ngại đến rạp hát.
Ông nói an sinh xã hội, giao thông công cộng càng ngày càng phức tạp, làm người ta cảm giác không an tâm khi đi ra ngoài đường. Phương tiện đi đến nhà hát hạn chế, nhà hát giờ không còn nằm ở vị trí thuận lợi giao thông như trước...
Phải tìm đất diễn cho nghệ sĩ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, NSƯT Thanh Thúy, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết trước việc sân khấu Hoàng Thái Thanh ngưng biểu diễn định kỳ, bà đã mời hai nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như lên gặp gỡ để lắng nghe tâm tình của họ. Những khó khăn của Hoàng Thái Thanh cũng như các sân khấu khác là điều sở đau đáu từ lâu và đang tích cực tìm cách hỗ trợ.
Trước mắt, sở sẽ xúc tiến việc kết nối các tác giả tham gia sáng tác đến các đơn vị sân khấu xã hội hóa để họ tham khảo, chọn lựa; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với mong muốn tìm ra giải pháp cho việc thiếu kịch bản sân khấu; nghiên cứu tìm cách khai thác sức sáng tạo, nguồn lực từ các đơn vị xã hội hóa bằng cơ chế phối hợp trong hoạt động biểu diễn để có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng...
Sở cũng đang nghiên cứu và xây dựng đề án làm sao có những cơ chế chính sách mang tính chất hỗ trợ khai thác, phát huy hết tiềm năng thế mạnh của lực lượng sáng tạo trên các lĩnh vực kịch nói, cải lương, hát bội... của thành phố.
Chỉ còn 3 sân khấu sáng đèn hằng tuần
Sân khấu kịch nói xã hội hóa TP.HCM thuộc hàng mạnh nhất cả nước. Mấy chục năm nay, các đơn vị xã hội hóa đã duy trì sáng đèn hằng tuần tạo nên nét son văn hóa, một đặc trưng riêng có của nơi này.
Thời kỳ đỉnh cao, có đến cả chục sân khấu xã hội hóa hoạt động mạnh ở tp, mỗi sân khấu mang một nét riêng như sân khấu Idecaf, Nhà hát kịch 5B, sân khấu kịch Hồng Vân (Phú Nhuận, SuperBowl, Kim Châu, Hồng Vân - Chợ Lớn), sân khấu Nụ cười mới, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Thế giới trẻ, sân khấu Trịnh Kim Chi, sân khấu Hồng Hạc...
Thế nhưng đến hiện tại, TP chỉ còn 3 sân khấu kịch giữ được lịch diễn định kỳ hằng tuần là sân khấu Idecaf, Nhà hát kịch 5B, sân khấu Thế giới trẻ. Tương tự, do có quá nhiều khó khăn nên sân khấu cải lương ở TP hiện không có nơi nào diễn định kỳ cuối tuần.
Các đoàn, nhóm hát xã hội hóa diễn theo đợt. Gần đây nổi lên đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long của nghệ sĩ Bình Tinh sắp được lịch diễn gần như hằng tháng. Đoàn Chí Linh - Vân Hà 2, 3 tháng diễn một vở, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng cố gắng duy trì diễn 2, 3 suất mỗi tháng...
Le lói tín hiệu khả quan
Bà bầu Mỹ Uyên cho biết từ Tết đến giờ các suất diễn ở sân khấu rất khả quan. Tuy vẫn còn phải bù lỗ nhưng bù ít hơn so với 2 năm trước. Đặc biệt, kịch thiếu nhi thắng lớn khi các suất diễn đã bán hết vé qua tận tháng 6. Chị nói tín hiệu lạc quan đó khiến chị có thêm động lực để duy trì diễn định kỳ ít nhất là sang tới năm sau.
Sân khấu Idecaf từ Tết tới giờ bất ngờ vở nào cũng "cháy vé", tuy nhiên ông Huỳnh Anh Tuấn không lạc quan về điều đó vì ông cho rằng sân khấu hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém trong nội tại lẫn khách quan.
"Làm sân khấu bây giờ giống như lướt qua được khúc nào hay khúc ấy và thật sự rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không có những đổi mới về kịch bản, diễn viên, thủ pháp dàn dựng của đạo diễn, cải thiện cơ sở vật chất cũ kỹ lạc hậu thì sân khấu sẽ chết dần chết mòn", ông Tuấn nói.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, sân khấu Thế giới trẻ diễn 5 suất đều đầy rạp. Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, vở Nửa đời ngơ ngác diễn hôm 1-5 đã hết vé từ trước. Sân khấu Hồng Vân diễn các vở Kỳ án 292, Ma nữ không chồng, Người vợ ma cũng kín rạp ngày 30-4 và 1-5.
Sân khấu thế giới dịch chuyển lên mạng
Phí thuê mặt bằng biểu diễn luôn là một khoản chi lớn mà đoàn kịch phải tính tới. Sân khấu tại các địa phương có giá nhiều ngàn USD/ngày, còn sân khấu của Broadway lên tới hàng chục ngàn USD/ngày.
Tham khảo mức giá hiện tại trên trang chuyên cung cấp dịch vụ thuê nhà hát trực tuyến Peerspace (đơn vị trung gian cho thuê hàng trăm nhà hát tại các thành phố ở Bắc Mỹ), giá thuê hiện dao động từ 75 - 395 USD/giờ.
Ngoài ra còn "ti tỉ" món phải chi như thù lao cho diễn viên và êkip thực hiện. Tất cả trông vào tiền bán vé.
Năm 2020, khi nước Anh phải phong tỏa do COVID-19, ngành công nghiệp sân khấu trị giá nhiều tỉ bảng đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn không bị dừng hoàn toàn mà tìm đường lên mạng, việc này cho thấy những tiềm năng khả thi của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc đưa sân khấu tới với đông đảo khán giả hơn.
Trong đó xu hướng "Back catalogue streaming" - chiếu online băng ghi hình những vở diễn cũ - đã trở nên phổ biến trong dịch COVID-19.
Như nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh Andrew Lloyd Webber đã mời khán giả xem miễn phí online các vở nhạc kịch giai đoạn đầu của ông. Sân khấu kịch Broadway của Anh cũng mở dịch vụ tính phí mỗi lần xem với các sản phẩm phát lại các vở diễn cũ đã ghi hình như vậy trên mạng.
Tiếp theo đó là xu thế làm các sản phẩm sân khấu ghi hình trước để phát sóng có thu phí trên mỗi lượt xem online. Đây là bước phát triển mới của xu thế phát sóng online các tác phẩm sân khấu, bù đắp một số yếu tố "trực tiếp" mà các băng ghi hình vở diễn cũ còn thiếu.
Theo báo Guardian, Nhà hát quốc gia Hoàng gia (London, Anh) đã có được những thành tựu lớn trong nỗ lực này khi chiếu online được 17 vở diễn sân khấu và nhận được 15 triệu lượt xem tại hơn 170 nước.
Tuy vậy, chi phí làm một vở diễn để phát online tốn kém hơn rất nhiều lần so với nguồn thu từ nó nên đó chưa phải là giải pháp bền vững về tài chính nếu coi đây là nguồn thu chính. Dù vậy, ý tưởng khai thác kinh doanh online các vở diễn cũ như một hướng tăng thêm thu nhập cũng là một lối ra.
D.KIM THOA
Tối 21-4, trong buổi họp báo 'Bay trên cánh mỏng', báo chí, nghệ sĩ và khán giả chùng xuống khi nghe thông tin sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ không duy trì diễn định kỳ hằng tuần nữa mà chuyển sang dựng kịch diễn theo mùa.