Gánh nặng 'chuẩn men'
"Làm trai cho đáng nên trai" từ lâu đã là nếp nghĩ quen thuộc của rất nhiều người. Ngay từ thuở nằm nôi, bé trai đã phải gánh chở trên mình bao kỳ vọng lớn lao như nối dõi tông đường, gánh vác gia đình, làm rạng danh dòng họ...
Tiến sĩ KHUẤT THU HỒNG - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nhận định: "Hình mẫu đàn ông đích thực dằn vặt bao thế hệ nam giới Việt".
Chuẩn quá cao!
* Vì sao bà cho rằng nam giới Việt bị dằn vặt bởi hình mẫu đàn ông đích thực?
- Gần đây chúng tôi khảo sát 2.567 nam giới 18 - 64 tuổi và ghi nhận được hình mẫu người đàn ông được mong muốn nhất bao gồm 23 tiêu chí: ưu tiên sự nghiệp, học vấn cao, tay nghề cao, vị trí cao trong cơ quan nhà nước, trở thành người lãnh đạo và ra quyết định; cơ thể khỏe mạnh, phong thái mạnh mẽ dứt khoát, dám chấp nhận mạo hiểm và thử thách; khả năng tình dục cao, che chở phụ nữ, sẵn sàng sử dụng sức mạnh khi cần bảo vệ danh dự; trụ cột trong gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con, thờ cúng tổ tiên...
"Chuẩn men" này quá cao và thật sự làm khó nhiều người.
* Bà lý giải thế nào khi nam giới tự đặt "chuẩn" cao như vậy?
- "Chuẩn men" nói trên xuất phát từ quan niệm về vai trò "trụ cột" của nam giới trong gia đình và xã hội có từ... cả ngàn năm nay. Sở dĩ quan niệm này được duy trì một cách bền vững như thế là vì nó đặt nam giới ở vị trí có nhiều ưu thế, quyền lợi hơn hẳn so với các giới khác.
Chẳng hạn theo kết quả khảo sát trên mẫu gồm 8.424 nam nữ trước đây của chúng tôi, nam giới có lợi thế vượt trội nữ giới về nhiều mặt như cơ hội học hành, nghề nghiệp và việc làm, sở hữu tài sản, tham gia hoạt động chính trị - xã hội...
Khổ thân "trụ cột"
* "Chuẩn men" cao ảnh hưởng như thế nào đến nam giới, thưa bà?
- Chúng gây áp lực tinh thần rất lớn lên nam giới, đặc biệt là với những anh khó với tới phiên bản "đích thực" này. Qua khảo sát của chúng tôi, gần 1/4 nam giới thừa nhận chịu áp lực nặng nề trong cuộc sống, trong đó hơn 80% áp lực về tài chính và gần 70% áp lực về sự nghiệp.
Nhiều nam giới tâm sự bị ám ảnh khi phải căng mình vừa đảm bảo đầy đủ vật chất cho gia đình, lại vừa tìm kiếm "chỗ đứng" nào đó trong xã hội. Cuộc sống càng cạnh tranh thì những áp lực đó càng lớn, đặc biệt là khi nam giới so sánh bản thân với người khác.
Đối diện với những áp lực như vậy, không khó hiểu khi nam giới, nhất là người trẻ sống ở đô thị, thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực như cô đơn, lạc lõng, chán nản, thất vọng... và dễ có các hành vi nguy cơ.
Kết quả khảo sát cho thấy cứ 100 nam giới thì có 3 người có ý định tự sát (gấp ba lần nữ giới), hơn 67% hút thuốc lá thường xuyên, hơn 58% từng uống rượu tới mức say xỉn. Từ nhiều năm qua, hơn 80% số vụ tai nạn giao thông là do nam giới gây ra mà trong đó rượu là nguyên nhân hàng đầu.
Không chỉ vậy, ông khổ thì bà cũng bị vạ lây. Nhiều nam giới đã trút những bẽ bàng, cay đắng dồn nén xuống đầu phụ nữ.
Bước khỏi "đỉnh cao chóng mặt"
* Theo bà, giải pháp nào giúp nam giới cởi bỏ những áp lực "chết người" đó?
- Chúng ta đã biết chuẩn nam tính cao xuất phát từ quan niệm về vai trò "trụ cột" của nam giới.
Quan niệm này tuy đặt nam giới vào "đỉnh cao quyền lực" với nhiều ưu trội nhưng cũng đồng thời là "đỉnh cao chóng mặt" khiến họ bị áp lực nặng nề và dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, bạo lực, lạm dụng chất gây nghiện...
Vì vậy, cần tác động làm thay đổi quan niệm này thông qua truyền thông, giáo dục trong nhà trường và gia đình... Đặc biệt, cần có thêm các chính sách phát triển phụ nữ để họ chia sẻ gánh nặng "trụ cột" với nam giới trong gia đình và xã hội.
Chúng tôi rất mừng khi qua khảo sát đã phát hiện những nam giới trẻ tuổi sống ở đô thị và chịu nhiều ảnh hưởng của toàn cầu hóa (dùng Internet nhiều, trải nghiệm du lịch và làm việc trong môi trường quốc tế...) thường có tư tưởng thoáng hơn, ít bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu truyền thống...
Hy vọng nhóm "lệch chuẩn tích cực" này sẽ góp phần định hình những chuẩn mực mới phù hợp hơn về vai trò của nam giới và nữ giới trong một xã hội đang chuyển động nhanh.
Hãy nuôi dạy con trai, con gái như nhau
Theo bà Hồng, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể góp tay định hình những chuẩn mực mới cho thế hệ tương lai thông qua quá trình "xã hội hóa" đứa con của mình ngay từ trong gia đình.
Hãy nuôi dạy con trai và con gái như nhau, bồi đắp các giá trị sống tích cực và trang bị các kỹ năng sống cần thiết để các con có thể bước vào đời một cách đầy tự tin và sống một cuộc đời ý nghĩa.
17,51% nam giới thành thị thấy cô đơn lạc lõng, con số này ở nông thôn là 13,09%. Về cảm giác chán nản thất vọng, 19,01% nam giới thành thị và 14,55% ở nông thôn cho biết mình đang gặp phải.