Gánh nặng chăm cháu của ông bà: Con mình đẻ, sao bắt ông bà trông

Chia sẻ Facebook
28/05/2023 17:47:05

Nhiều người không có thời gian an hưởng tuổi già vì rơi vào cảnh trẻ chăm con, già chăm cháu. Tuổi già cần được nghỉ ngơi, giữ cháu chỉ là thú vui khi ông bà tự nguyện.

Cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng đến khi con khôn lớn trưởng thành là hoàn thành trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, nhiều người con dù đã có gia đình riêng vẫn chưa hiểu được điều này, vẫn yêu cầu cha mẹ già phải chăm sóc con cái cho họ và đặt lên vai đấng sinh thành nhiều loại trách nhiệm. Ông bà chăm cháu giúp các con yên tâm lo công việc nhưng quanh đó vẫn còn nhiều điều cần bàn. Làm ông bà thời nay quả thực không dễ.

Kiệt sức vì phải thay con chăm cháu. (Ảnh minh họa: Zing News)


Trẻ nuôi con, già trông cháu

Bà Hoa dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc hai cháu nhỏ, một cháu nội và một cháu ngoại. Bà đã chăm sóc hai cháu từ khi chúng còn rất nhỏ, thậm chí cháu ngoại chỉ mới 6 tháng tuổi thì đã gửi cho bà chăm sóc vì cha mẹ chúng phải làm việc xa nhà. Bà sống chung với vợ chồng con trai và cháu nội. Vì con đi làm, bà đã chăm sóc cháu nội cả ngày lẫn đêm

Đêm ngủ thì 2 tay ôm 2 cháu, giữa đêm phải thức dậy cho uống sữa; ban ngày thì lo ăn uống, cho cháu ngủ, nấu cơm là hết ngày. Bà còn phải giúp ông nhà cắt lục bình phơi để có tiền xoay xở trong nhà. Nhiều khi 1 giờ sáng, bà phải dậy cắt lục bình tới 5 giờ thì vô nhà lo cho cháu, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ

Lớn tuổi vẫn phải đảm nhiệm nghĩa vụ chăm cháu nhỏ. (Ảnh minh họa: Phụ Nữ Việt Nam)


Gia đình bà Hoa thuộc diện hộ nghèo của xã. Các con bà kinh tế cũng khó khăn nên việc trông cháu nhờ hết vào bà. Thương con, thương cháu nên bà nhận chăm sóc cháu nhưng bà bảo mình rất mệt. Bà ước được ngủ một đêm ngon giấc, được nghỉ ngơi, không cần làm việc luôn tay luôn chân như bây giờ. Bà Hoa tâm sự: “Tôi mệt quá nhưng cháu mình thì biết bỏ cho ai. Tôi chưa được 60 tuổi mà cảm giác như mình đã 70 tuổi rồi!”. Ở độ tuổi của mình, bà Hoa cần được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn phải làm việc nhiều để vừa chăm sóc tốt cho các cháu, vừa có thể góp phần tạo thu nhập cho gia đình.

Ông bà chăm cháu là chuyện thường thấy. Khi cha mẹ các bé bận rộn với công việc thì ông bà là người chăm sóc cháu. Bà Thoa ( Hà Nội) cũng một tay chăm cháu nội rồi đến cháu ngoại từ khi cháu 6 tháng cho đến tuổi tới trường. Vì các con làm việc giờ hành chính nên bà giúp con chăm cháu từ sáng đến chiều, tối cha mẹ các bé sẽ đón về chăm sóc. Lúc đó, bà có chút thời gian cho riêng mình.

Ngày còn trẻ, bà Thoa từ bỏ công việc, lui về chăm sóc gia đình, làm dâu, làm vợ, chăm con và giúp chồng lo thêm kinh tế. Khi các con đã lớn, bà tiếp tục trông cháu và quán xuyến việc nhà để các con phát triển kinh tế. Chăm em bé thì tất nhiên là vất vả nhưng được cái vui hơn khi được chơi cùng cháu. Dù mệt nhưng bà cũng không dám than thở để con cái yên tâm làm việc.

Không còn thời gian tận hưởng tuổi già vì bận rộn chăm cháu. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Đừng biến niềm vui thành trách nhiệm!

Mới đây, một diễn đàn mạng xã hội chia sẻ tình huống con dâu nhờ mẹ chồng chăm cháu. Bà không ngần ngại đưa ra yêu cầu con dâu phải trả lương 8 triệu/tháng cho mình, ngang với giá thuê giúp việc hiện tại. Thái độ của mẹ chồng khiến nàng dâu sốc. Cô không dám tin bà nội của con lại có thể nhắc đến chuyện tiền bạc một cách thản nhiên như vậy.

Nàng dâu cho rằng, bây giờ cô có thể trả lương 8 triệu cho mẹ nhưng sau này, khi bố mẹ chồng ốm đau, ai sẽ là người lo liệu? Lúc đó, mẹ chồng có nghĩ đến chuyện thuê giúp việc chăm mình hay sẽ lại nhờ đến con cháu? Quan điểm của cô con dâu là bà nội nên có trách nhiệm chăm cháu chắt của mình. Sau này, con cái cũng sẽ “có đi có lại”, chăm sóc lúc ông bà về già.

Con dâu tỏ ra khó chịu khi mẹ chồng không chịu chăm cháu. (Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ)

Một số ý kiến cho rằng việc mẹ chồng nhắc đến chuyện tiền nong hàng tháng khi chăm cháu nội không sai. Bởi trách nhiệm chăm cháu không thuộc về ông bà. Khi bố mẹ bước vào tuổi xế chiều, con cái càng cần có trách nhiệm giúp bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi, thảnh thơi.

Tuy nhiên, số ít lại cho rằng, cách người mẹ chồng thẳng thắn nói về tiền khi con dâu nhờ vả khiến cô bị sốc. Bởi cô không phải gán trách nhiệm mà chỉ mong nhận được sự hỗ trợ từ người thân ruột thịt. Một số ý kiến đồng tình với cô con dâu rằng, người thân cần hỗ trợ nhau. Một số gia đình kinh tế eo hẹp, có ông bà hỗ trợ chăm cháu cũng đỡ được khoản thuê người ngoài.

Câu chuyện gây không ít ý kiến về quan niệm chăm cháu. (Ảnh minh họa: CafeF)

Vợ chồng chị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có quan điểm hoàn toàn khác. Vợ chồng chị xác định đẻ con được thì nuôi con được, không dựa dẫm hay ỷ lại vào bố mẹ hai bên. Nếu không tự chăm được thì thuê giúp việc.

Hai vợ chồng chị sinh hai con gái: đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới 13 tháng. Gia đình ở riêng, nhà gần ông bà nội, nhưng đều tự trông lấy. Đến khi con được 2 tuổi, chị đem gửi nhà trẻ, cả hai đều không muốn nhờ cậy ông bà hai bên. Chị nghĩ cha mẹ đều lớn tuổi (65 tuổi) muốn để họ nghỉ ngơi, thích làm gì tùy ý. Đôi khi không sắp xếp được thời gian thì chỉ gửi ông bà trông giúp một buổi rồi thôi, hoặc lâu lâu chở cháu về nhà ông bà chơi chứ không bắt buộc họ phải giữ cháu.

Đẻ con được thì nuôi con được, không dựa dẫm hay ỷ lại vào bố mẹ hai bên. (Ảnh minh họa: CafeF)

Hai ông bà nghỉ hưu ở nhà, ông bà vẫn có tâm lý sợ mọi người bên ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình không chăm cháu giúp con mà cứ ở nhà chơi không. Thế nên cả hai vẫn muốn ra trông cháu thường xuyên để đỡ bị dị nghị.

Bản thân chị Huyền thì một mực phản đối suy nghĩ đó. Ở riêng là sự lựa chọn hợp lý nhất với những gia đình có những vấn đề không hòa hợp trong tư tưởng và cũng là cách để bố mẹ được nghỉ ngơi tuổi già. Thi thoảng, ông bà có thể qua thăm cháu cho đỡ nhớ, chứ không nên ở lại quá lâu và can thiệp vào các nuôi dạy trẻ của con cái. Vợ chồng trẻ nếu muốn đi làm thì có thể thuê người giúp việc trông con hoặc gửi con đi nhà trẻ, không thiếu gì cách mà phải lụy ông bà.

Cái suy nghĩ để ông bà trông cháu thực sự đã ăn sâu vào máu của nhiều người Việt. Như cha mẹ chị Huyền ở quê, đi làm nông đã mệt bở hơi tai, về nhà lại còn phải nấu ăn cho mấy đứa trẻ, rồi quát tháo ầm ĩ. Cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng lại vô tình như nuôi con mọn. Làm vậy liệu có đáng không?

Bố mẹ cũng cần được nghỉ ngơi tuổi già. (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Chăm con là trách nhiệm của cha mẹ, không phải của ông bà

Theo chuyên gia tâm lý, ông bà có thời gian chơi cùng cháu sẽ giúp tâm trạng thoải mái, hạnh phúc hơn. Việc vận động khi chơi với cháu cũng góp phần giúp ông bà rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, cháu gần gũi ông bà sẽ được giáo dục tốt về tình cảm gia đình. Bằng kinh nghiệm sống của mình, ông bà dạy cháu những điều tốt đẹp về đạo đức, lối sống, truyền thống,... Việc ông bà chăm sóc cháu mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ và sức khỏe của ông bà. Tuy nhiên, nếu lạm dụng điều đó, biến việc trông cháu thành trách nhiệm cho ông bà thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn ngược lại.

Từ trước đến nay, có khá nhiều câu chuyện như thế. Cha mẹ bận rộn, con cái phải nhờ ông bà trông giúp. Tuy nhiên, có nhiều bậc làm cha làm mẹ đòi hỏi quá nhiều ở việc "trông giúp" này, coi như đó là một trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ mình đối với cháu. Nếu ông bà không giúp thì mặt nặng mày nhẹ, ông bà giúp cũng ngồi tính toán suy xét và có những điểm chưa hề ưng ý nào để lên án, than vãn. Vợ chồng sinh con ra, trách nhiệm đầu tiên với con là của họ. Tất cả mọi mặt của cuộc sống cho con, họ phải lo toan chu toàn. Kể cả việc ai chăm sóc con sau khi mẹ đi làm cũng nên được tính toán kỹ.

Ông bà chăm sóc cháu đó là lựa chọn của họ. (Ảnh minh họa: VTC News)

Cha mẹ đến tuổi già, đã tới lúc họ được nghỉ ngơi sau nhiều năm lo cho chính con cái họ. Nhiều năm trời họ tất bật với con của họ, đến tuổi già lại tất bật với con của con họ. Vậy thì đến lúc nào họ mới được nghỉ ngơi? Nhất là khi có những người con hoàn toàn quy kết trách nhiệm chăm cháu cho ông bà, lợi dụng và đòi hỏi. Ông bà chăm sóc cháu đó là lựa chọn của họ. Đến tuổi của mình, họ hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi, đi du lịch, tham gia các hội hè người cao tuổi. Với cháu, họ có quyền lựa chọn có vì thương con mà chăm sóc hay không và đương nhiên đấy không phải nghĩa vụ bắt buộc.

Nghĩa vụ với con cha mẹ phải đảm nhận và những bậc làm cha làm mẹ cũng nên có sẵn tư tưởng trong đầu rằng đừng nên làm phiền ông bà quá. Ông bà giúp chăm sóc là điều đáng quý, đáng trân trọng. Ông bà không giúp được cũng nên vui vẻ mà nhận thôi. Bạn đừng đòi hỏi người khác phải làm gì cho mình khi họ không có nghĩa vụ đó và cũng đừng lợi dụng bố mẹ để bản thân "nhẹ gánh" hơn.

Hãy để ông bà trông cháu trên tinh thần giúp đỡ, là niềm vui, tình cảm của ông bà dành cho cháu. (Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ)

Con cái nên hiểu rằng, trông cháu trên tinh thần giúp đỡ, là niềm vui, tình cảm của ông bà dành cho cháu. Bổn phận làm con cần phải tôn trọng quyết định và lựa chọn của bậc sinh thành. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách buông tay để cho những đứa con của mình tự lớn, học cách gánh vác trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Chăm cháu vốn không phải là nghĩa vụ của ông bà. Thế nhưng, vì thương con, thương cháu nên nhiều người dù lớn tuổi vẫn cố gắng phụ giúp các con việc nhà, chăm sóc cháu để con cái có thời gian đi làm, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mỗi thế hệ một cách chăm sóc khác nhau, chuyện tranh cãi khó có thể tránh. Nhưng là con cái trong nhà, chúng ta chỉ nên góp ý nhẹ nhàng với bố mẹ để có cách chăm cháu phù hợp nhất, tuyệt đối không được chê trách bởi "con ai người đó nuôi".


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook