Gánh bánh canh hơn 30 năm ở Sài Gòn, có bát lên tới 300 nghìn, khách vẫn khen "giá hợp lý"
Cô Âu Cẩm Phương - chủ nhân gánh bánh canh cua được khách ưu ái gọi là Chị Tư Bánh Canh. Gánh bánh canh nhỏ nép mình trong khu chợ Hòa Bình, hơn 30 năm qua luôn nhộn nhịp khách.
Thời gian qua, dư luận vẫn chưa hết xôn xao vì tô bánh canh có giá cả trăm nghìn thì ở số 45 Bạch Vân (Q.5, TP. HCM) cũng có hàng bánh canh có mức giá tương tự đã tồn tại được hơn chục năm.
Ai ăn sao bán vậy, nhiều năm vẫn giữ giá
Bắt đầu mở bán từ 13 giờ 30 hằng ngày, quán bánh canh Bé Tư trong khu chợ Hoà Bình (đường Bạch Vân, Q.5, TP. HCM) có nườm nượp khách ghé tới, cô chủ quán chưa phút giây nào ngơi tay.
Hàng bánh canh chỉ có vài chiếc bàn con và ghế đẩu. Thực khách có thể ngồi ngay bên cạnh xem cách cô chủ chế biến cũng như thực hiện phần thức ăn cho khách. Trên tủ kính là mấy con cua hấp đỏ trông cực kỳ ngon mắt.
Cô Âu Cẩm Phương (52 tuổi) cho biết, mình đã bán bánh canh từ hồi 18 tuổi. Gánh bánh canh này từ hơn 30 năm trước đến nay vẫn chẳng có gì hay đổi, chỉ là mất đi một quang gánh, còn mùi vị, giá cả vẫn cứ thế thôi. Bởi lẽ đó mà quán mới tồn tại được hơn 30 năm.
Ở đây đúng thật là có bán tô bánh canh với giá 240 nghìn, thậm chí là hơn cả như thế. Đó là tuỳ thuộc vào khối lượng của con cua mà cô Phương bán kèm trong ngày.
Mỗi ngày cô Phương lấy về 5 kg cua nguyên con và 3 kg cua đã lột thịt. Ví dụ, con cua 800gram sẽ có giá 300 nghìn, ăn kèm tô bánh canh thì thực khách phải trả 350 nghìn cho một tô đặc biệt.
Khách thích con nào thì cô Phương cân con đó rồi bán kèm với bánh canh. Thậm chí, nếu thực khách không đủ “kinh phí”, cô Phương cũng sẵn sàng cắt đôi con cua để bán với giá một nửa.
Có nhiều mức giá khác nhau cho thực khách thoải mái "order"
Khách hàng vào quán cô Phương gọi tô bao nhiêu cô bán bấy nhiêu. 30 nghìn, 35 nghìn, 50 nghìn, 55 nghìn cô Phương vẫn bán. Cô cũng cho biết, phần lớn khách đến đây gọi tô 50 nghìn. Chủ quán chia sẻ cô đã định giá cho từng bát bánh canh như vậy từ 10 năm trước. 10 năm sau, vật giá leo thang chứ cô Phương cũng không tăng giá tô bánh canh.
“Chả cá hôm nay mới lên 300 nghìn/ kg nhưng thôi, tôi chả lên giá lắt nhắt làm gì. Người quen ăn lâu đã biết giá vậy rồi, lên giá tôi sợ mất khách. Thôi thì mình chịu một chút.”
Thực khách tấm tắc khen ngon, đáng tiền
Nhiều khách đã ăn ở quán cô Phương ngót nghét hơn chục năm. Cũng có người lặn lội từ xa để đến ăn cho bằng được hương vị này. Anh Nguyễn Đức Mạnh (25 tuổi) là một người khách như thế. Anh Mạnh cho biết nhà mình ở Biên Hoà và mỗi khi thèm bánh canh cua, anh phải lặn lội tìm đến quán bánh canh cua Bé Tư để thưởng thức chứ không đi bất kỳ hàng quán nào khác.
“Nếu so sánh thì quán này bán khá rẻ, đương nhiên là không nói đến những quán bánh canh cua bình dân, bán mà không có cua nhé.
Cua ở đây thịt chắc, ăn là thấy khác biệt hẳn so với những chỗ khác. Nếu gọi nguyên con cua ra ăn cùng thì cua có nhiều gạch, nhiều thịt, còn ăn cua miếng lột sẵn thì cũng rất chất lượng.
Bánh nổi ở đây cũng khác hẳn bánh nổi ở những nơi khác. Tôi ăn ở đây từ năm 2016 đến giờ, mỗi khi ăn bánh canh cua nhất định phải đến quán này.”
Mỗi lần vào đây anh Mạnh đều gọi một phần bánh canh, thêm một tô cua lột sẵn với giá 120 nghìn để ăn cùng.
Tô bánh canh 30 nghìn nhìn vẫn đầy đặn, chứ không hề èo ọp chỉ vài sợi bánh canh. Nước dùng được nấu đậm đà, đặc sệt, thoang thoảng hương tôm khô rất đưa miệng. Tô 30 nghìn bao gồm chả cá, thịt heo và huyết, ăn kèm với bánh nổi. Tô 50 nghìn sẽ có thêm giò trong khi bắt đầu từ giá 120 nghìn trở lên sẽ có thịt cua, tuỳ vào mong muốn của khách là ăn nửa con cua hay ăn thịt lột sẵn.
Để có được những lời khen ngợi đó, cô Phương phải thức dậy từ sớm, một tay chuẩn bị hết tất cả nguyên liệu, từ chả cá cho đến thịt heo, đến tận 13h30' cô mới có thể bắt đầu bán.
Nồi nước lèo chất lượng, đậm đà, với nước hầm giò heo, tôm khô. Những nguyên liệu như thịt, chả cá, bánh nổi, cua lột... hôm nào cũng được bán hết sạch, không để lại lâu nhằm đảm bảo độ ngon cho món ăn.
“Buôn bán 30 năm rồi, tôi biết phải lấy bao nhiêu cho vừa đủ. Chứ không lấy dư, nên có hôm không đủ bán. Thức ăn mà để lâu sẽ không ngon.” - Cô Phương kể.
Dù có đông khách, quán chỉ bán đến 18 giờ, trễ lắm là 19 giờ là nghỉ, tuyệt nhiên không bán hơn. Hỏi cô sao không lấy thêm đồ để bán, cô Phương cười bảo: “Sức đâu mà làm nổi. 30 năm trời đã như thế rồi.”
Có lẽ, dù thời gian trôi qua đã lâu, nhiều thứ thay đổi, nhưng gánh bánh canh Bé Tư vẫn luôn giữ lại những điều cũ để thực khách tìm đến hàng này, quang gánh này, vẫn cảm nhận được hương vị, hình dáng, sắc màu... của tô bánh canh 30 năm về trước.
Theo Hạnh Lê
Trí Thức Trẻ