Gần một nửa dân số thế giới mắc bệnh về răng miệng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong báo cáo hôm 17/11, gần một nửa dân số thế giới mắc các bệnh về miệng như sâu răng, sưng nướu và ung thư miệng.
Báo cáo mới nhấn mạnh sự bất bình đẳng rõ ràng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng , điều này ảnh hưởng xấu đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong hệ thống y tế toàn cầu", đồng thời nhấn mạnh rằng "nhiều bệnh răng miệng có thể được ngăn ngừa và điều trị bằng các biện pháp hiệu quả về chi phí".
WHO phát hiện ra rằng 45% dân số toàn cầu, tương đương khoảng 3,5 tỷ người, đang chiến đấu với bệnh sâu răng, bệnh nướu răng và các bệnh răng miệng khác.
Báo cáo trên, là bức tranh toàn diện đầu tiên về tình hình trên 194 quốc gia, cho thấy các ca nhiễm bệnh răng miệng trên toàn cầu đã tăng thêm một tỷ trường hợp trong 30 năm qua. WHO cho rằng đó là "một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều người không được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng".
Các bệnh phổ biến nhất là sâu răng, bệnh nướu răng nghiêm trọng, rụng răng và ung thư miệng.
Sâu răng không được điều trị là tình trạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 2,5 tỷ người trên thế giới. Bệnh nướu răng nghiêm trọng, nguyên nhân chính gây mất răng toàn bộ, ước tính sẽ ảnh hưởng đến khoảng một tỷ người. Và khoảng 380.000 trường hợp ung thư miệng mới được chẩn đoán hàng năm, WHO cho biết.
Báo cáo cho thấy, 3/4 số người mắc bệnh răng miệng sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Và ở tất cả các quốc gia, những người có thu nhập thấp, người tàn tật, người lớn tuổi sống một mình hoặc sống trong nhà dưỡng lão, ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa và nông thôn, hoặc các nhóm thiểu số có nguy cơ mắc bệnh răng miệng cao hơn.
WHO cho biết, những mô hình này giống với các bệnh không lây nhiễm khác như ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường. Các yếu tố rủi ro dẫn đến mắc bệnh cũng tương tự như lượng đường cao, sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia.
Báo cáo hôm 17/11 nhấn mạnh những rào cản trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng đầy đủ, bao gồm cả việc thăm khám nha sĩ thường đòi hỏi chi phí tự trả cao. Điều này có thể dẫn đến "chi phí thảm khốc và gánh nặng tài chính đáng kể cho các gia đình và cộng đồng", WHO cho biết.
Đồng thời, việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp chuyên môn cao và thiết bị công nghệ cao khiến nhiều người không thể tiếp cận được các dịch vụ này.
WHO đã trình bày một danh sách dài các đề xuất để giải quyết vấn đề, bao gồm kêu gọi các quốc gia đưa những dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của họ.
Hôm nay (20/3) là Ngày sức khỏe răng miệng thế giới. Đây là dịp đề cao tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng, điều ảnh hưởng lớn đến cả sức khỏe toàn thân.