Gần 900.000 tỷ 'nằm' ở ngân hàng, chậm giải ngân: Trách nhiệm của ai, vì sao?

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 10:44:57

Cả nền kinh tế đang “khát vốn” để phục hồi, trong khi đó khoảng 900.000 tỷ đồng ngân sách bị gửi tại ngân hàng do "khó giải ngân". Chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần khơi thông nguồn vốn này để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp.


Doanh nghiệp, người dân khát vốn

Những tháng cuối năm, nhu cầu mở rộng sản xuất rất lớn nhưng doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng gần như “cạn room” tín dụng. Bà Nguyễn Chi, giám đốc một doanh nghiệp đá mỹ nghệ, đá lát sân vườn tại Thanh Hóa cho biết, nhu cầu về hàng cuối năm tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đơn hàng, công ty bà phải thuê thêm nhân công, mua thêm nguyên vật liệu. Trong khi đó, mỗi công trình phải cần 1-2 tháng mới có thể hoàn thành để thanh toán. Cần vốn để mở rộng sản xuất, nhưng khi mang hồ sơ đến ngân hàng đề nghị được vay vốn, doanh đều gặp khó khăn với lí do “cạn room” tín dụng.

“Sau 2 năm hoạt động kinh doanh gần như đứng im vì dịch bệnh, nửa cuối năm 2022, khách hàng đến với chúng tôi nhộn nhịp trở lại. Đơn hàng nhiều nhưng khó vay vốn, công ty chúng tôi cũng khó mở rộng sản xuất. Cạn room tín dụng nên ngân hàng “kén” khách, nhiều khi để kịp có vốn, chúng tôi chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao, thời hạn vay một vài tháng”, bà Chi chia sẻ.

Ngân sách không được giải ngân, tồn ở ngân hàng là lãng phí chi phí cơ hội rất lớn Ảnh: minh họa

Không chỉ doanh nghiệp khó vay vốn, nhiều người dân có nhu cầu mua ô tô, mua nhà cũng khó tiếp cận với nguồn vốn. Anh Lê Đức (ở Long Biên, Hà Nội) có kế hoạch mua ô tô phục vụ công việc, đi lại dịp cuối năm. Tuy nhiên, hầu hết đại lý ô tô thông báo, các ngân hàng trong nước cho vay trả góp hết hạn mức tín dụng. Một số ngân hàng còn hạn mức nhưng lãi suất lên tới 13,9%/năm.

“Nhân viên đại lý bán ô tô cho biết, ngân hàng trong nước cạn room và chào mời tôi chuyển sang vay của một số ngân hàng nước ngoài như Public Bank Vietnam (ngân hàng 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Public Bank Berhad, Malaysia); Ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc. Các ngân hàng nước ngoài cho vay với lãi suất khoảng 10,9%”, anh Đức cho biết.

Tình hình giải ngân rất khó nên còn tồn gần 900.000 tỷ đồng ngân sách gửi tại ngân hàng. Trong số đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng và có kỳ hạn là 290.000 tỷ đồng.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cuối năm, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng. Phản ánh về hiệp hội, đa số doanh nghiệp cho biết, năm nay khó tiếp cận vốn vay. Nguồn vay khó, lãi suất nguy cơ tăng khiến doanh thu của doanh nghiệp chỉ đủ bù chi phí.


Để tiền đọng ở ngân hàng là lãng phí, có tội

Trong khi người dân, doanh nghiệp khát vốn, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tình hình giải ngân rất khó nên còn gần 900.000 tỷ đồng ngân sách đang được gửi tại ngân hàng. Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỷ đồng. Số tiền ngân sách gửi tại ngân hàng trên do nhiều khoản dự toán chi chưa đạt kế hoạch.

Theo dự thảo báo cáo ngân sách năm 2022, dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức 1,78 triệu tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chi ngân sách đạt 60,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển, tổng số vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn 9 tháng đầu năm 2022 vẫn chậm so với yêu cầu và cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 46,7% kế hoạch.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề cao hơn nữa trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, Bộ Tài chính cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để nền kinh tế phát triển, cần tập trung vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong bối cảnh hiện nay, huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn, nguồn vốn giải ngân đầu tư công cần được khơi thông để tiếp sức cho nền kinh tế.

“Với những khoản đầu tư công giải ngân chậm cần truy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chậm trễ. Cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của việc tiền đầu tư công ách lại, gây lãng phí. Nguồn vốn đầu tư công vận hành tốt sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Không giải ngân vốn đầu tư công, để ở ngân hàng là có tội, gây lãng phí, gây khó khăn cho nền kinh tế. Người nào không thực hiện được cần nghỉ việc để người khác thực hiện”, ông Hùng kiến nghị.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế hồi phục, tăng trưởng trở lại, nhu cầu vốn lớn nhưng một nguồn vốn đầu tư công lớn như vậy lại chậm được giải ngân. Vậy cần có giải pháp cho vấn đề này. Cơ quan chức năng nên xem xét bãi bỏ quy định chi tiết không cần thiết. Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT nên có tờ trình Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng chuyên trách chủ trì, xem xét, quyết định.

Chia sẻ Facebook