Gần 50% dân số Việt Nam tiếp cận thương mại điện tử, mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ?
Gần 50% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, một tỉ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đã cho biết như trên tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức hôm nay, 25-3.
Ông Hùng cũng cho biết trong thời gian vừa qua các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng, hạn chế tiếp xúc.
Năm 2021, tín dụng ngân hàng cũng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỉ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020.
Đại diện Agribank cho hay ngân hàng đã phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ với gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 17 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking…
Số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỉ lệ gần 80% trên tổng số khách hàng của Agribank. Đây là đối tượng khách hàng truyền thống trong huy động vốn và đầu tư tín dụng, đồng thời là khách hàng tiềm năng để phát triển dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử.
Theo ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao, qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với năm 2020.
Thanh toán qua ví điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2017 - 2021 là 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị. Đáng chú ý là tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%...
Tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%...
"Để đạt được các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với Fintech, phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công.
Song song đó sẽ xây dựng công cụ, nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh. Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thanh toán không tiền mặt…", ông Lê Anh Dũng nói.
Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.