Gần 200 mã nằm sàn, VN-Index rơi chưa có điểm dừng

Chia sẻ Facebook
03/10/2022 23:54:50

Mở đầu phiên giao dịch quý IV, VN-Index tiếp tục giảm hơn 40 điểm, thủng mốc 1.100 vượt xa mọi chỉ báo kỹ thuật và đạt mức đỉnh của 15 năm trước 2007.


Kết thúc quý III/2022, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh bất chấp báo cáo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ về chi tiêu cá nhân phục hồi. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình lạm phát sẽ gây áp lực và Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới. Chứng khoán Yuanta dự báo, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

Theo đó, mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 10, thị trường mở cửa gap down hơn 6 điểm xuống 1.125 điểm, sắc đỏ áp đảo ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu, đặc biệt là nhóm trụ và điều này đẩy các chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.

Các mã vốn hóa lớn ngành bất động sản như VIC, VHM, BCM, NVL, VRE mở cửa phiên đã nhanh chóng chìm trong sắc đỏ. Trên sàn HoSE có đến 393 mã giảm, chỉ 53 mã tăng.

Theo sau là nhóm ngành chứng khoán với sự giảm mạnh của các mã tiêu biểu như SSI, VND, VCI, HCM đều dưới mức tham chiếu đến hơn 1%, ngành bán lẻ có MWG cũng sụt giảm gần 2%, nằm trong nhóm tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.

Càng về cuối phiên lực bán càng mạnh phân hoá ở các nhóm ngành, nhóm bảo hiểm, xây dựng cũng phủ đầy sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch sáng 3/10, VN-Index giảm 26,98 điểm xuống 1.105,13 điểm. Số mã giảm áp đảo số mã tăng ở hầu hết các nhóm ngành, trong đó 22 mã giảm kịch sàn, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với gía trị giao dịch hơn 4.000 tỷ đồng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đưa ra nhận định kỹ thuật, các chỉ báo vẫn đang diễn biến tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ nhất và nến xanh phiên cuối tuần chưa vượt được 1/2 thân nến đỏ của phiên trước đó. Có lẽ vì thế, tại phiên giao dịch mở đầu quý IV/2022, VN-Index đã thực sự sụt dưới mốc 1.100 điểm, vào ATC giảm còn 1.086 điểm – mức đỉnh của năm 2007.

Diễn biến VN-Index 15 năm trở lại đây (Nguồn: Fireant).

Thị trường chứng kiến số lượng cổ phiếu bán tháo với hơn 100 mã giảm kịch sàn, từ nhóm vốn hoá lớn đến nhóm midcap và penny, nhà đầu tư có lẽ không còn kiên nhẫn chờ thị trường hồi phục, dù thanh khoản không lớn.

Nhóm VN30 thậm chí cả 30 mã đều chìm trong sắc đỏ, thị trường tiếp tục kết phiên với đáy mới chinh phục đáy cũ, dưới 1.099 điểm, mức thấp nhất của cuối tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm, tương ứng 4,61% còn 1.086,44 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay.

HNX-Index giảm 12,09 điểm, tương ứng 4,83% xuống 238,17 điểm, UPCoM-Index giảm 2,2 điểm, tương ứng 2,59% lên 82,76 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 giảm hơn 50 điểm với 29 mã giảm giá.

Thanh khoản thị trường duy trì mức thấp với 11.642 tỷ đồng, riêng HoSE giá trị giao dịch đạt 11,525 tỷ đồng, HNX ghi nhận mức thanh khoản 1.142 tỷ đồng tương đương hơn 62 triệu cổ phiếu.


Nhiều cổ phiếu ngân hàng nằm trong top tác động mạnh, góp phần kìm đà giảm của thị trường, BID, TCB, CTG lần lượt nằm sàn, MBB giảm hơn 6%, VCB giảm 3,55%, VPB giảm 5,56%, VIB giảm 3,86%.

Theo sau là nhóm chứng khoán cũng không khả quan với "la liệt" 18 mã chạm sàn, chỉ còn TVB, TVS, PSI, HBS,... cũng giảm xung quanh 3-6%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số VN-Index.


Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ tuy nhiều mã giảm sàn nhưng vẫn còn CMV, VTJ giữ được sắc xanh hiếm hoi trên bảng điện. Nhóm ngành bất động sản cũng bất ngờ với VIC tăng 0,91%, trong khi 2 phiên trước đó mã này giảm về mức thấp nhất từ năm 2018.


Khối ngoại quay trở lại bán ròng sau một phiên mua ròng với tổng giá trị giao dịch là 1.573 tỷ đồng. Cụ thể, khối này giải ngân 537 tỷ đồng nhưng bán ra 1.036 tỷ đồng. Những mã bị khối ngoại bán mạnh là HPG 178 tỷ đồng, STB 59 tỷ đồng, DGC 43 tỷ đồng, CTG 41 tỷ đồng... Ngược lại, chỉ mua mạnh VIC 27 tỷ đồng và PVS 10 tỷ đồng .


Hồng Nhung

Chia sẻ Facebook