Gần 140 nhân viên y tế nghỉ việc, bệnh viện "đỏ mắt" tìm người thay
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM đã có 138 nhân viên y tế nghỉ việc, chủ yếu do thu nhập không đủ sống.
Sáng ngày 9/11, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân Dân TPHCM , BS Huỳnh Ngọc Hớn - Phó giám đốc bệnh viện Trưng Vương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022 bệnh viện có 138 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 53 người là điều dưỡng. Số nhân viên y tế nghỉ việc chiếm hơn 14% trong tổng số nhân viên toàn bệnh viện thời điểm đầu năm là 980 người. Nguyên nhân chính khiến nhân viên y tế nghỉ việc là do thu nhập không đủ sống.
Hiện bệnh viện còn 842 cán bộ, nhân viên, trong đó có 482 nhân sự là viên chức. Toàn bộ viên chức của bệnh viện đang được đề nghị thành phố xem xét được thụ hưởng thu nhập tăng thêm (theo Nghị quyết 03 của thành phố). Tuy nhiên, bệnh viện còn 274 nhân sự là nhân viên tạm tuyển và 86 người là diện hợp đồng. Để tạo công bằng cho cán bộ nhân viên, bệnh viện đã đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho toàn thể nhân viên đang làm việc tại bệnh viện.
BS Hớn cũng cho biết, nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng nghỉ việc ngày càng nhiều đang gây khó khăn rất lớn cho bệnh viện. Bệnh viện đang chủ động tuyển thêm nhân lực nhưng việc tuyển mới rất khó khăn. Bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế kéo dài thêm thời gian tuyển dụng nhân sự điều dưỡng trình độ trung cấp (theo quy định chuẩn trình độ điều dưỡng đến năm 2025 là cao đẳng trở lên – PV).
“Bệnh viện không tuyển được người mới, chúng tôi đã liên hệ với trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp để tuyển dụng nhưng cũng rất khó khăn. Bệnh viện đã có chế độ trong thời gian 3 tháng đầu khi điều dưỡng chưa tìm được chỗ ở, bệnh viện sẽ bố trí nơi lưu trú trong bệnh viện nhưng vẫn không tuyển được người” – BS Hớn nói.
Theo BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu, nhân viên y tế nghỉ việc là thực trạng đang diễn ra. Ông nói: “Trong giai đoạn dịch bệnh, anh chị em đã cống hiến đến kiệt sức nhưng bù lại những gì nhận được không tương xứng. Sau dịch bệnh, thu nhập không đủ sống như giọt nước tràn ly khiến họ quyết định rời bệnh viện. Nhiều người nghỉ việc đang gây ra áp lực và gánh nặng cho những người ở lại vì họ phải gánh cả công việc của những người đã nghỉ nhưng bệnh viện chưa tìm được người thay thế”.
BS Tuấn cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời để giữ chân nhân viên y tế thì xu hướng bỏ việc hoặc chuyển công tác từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư nhân sẽ tiếp diễn. “Khi nhân viên y tế nghỉ việc thì chất lượng chăm sóc người bệnh sẽ bị tác động tiêu cực và người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là bệnh nhân” – BS Tuấn nói.