Gần 10.000 câu hỏi của công nhân 'chờ' Thủ tướng giải đáp
Gần 10.000 câu hỏi được công nhân gửi đến buổi đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân sắp tới tại Bắc Giang, các câu hỏi rất gần gũi như mong muốn chợ họp sau giờ tan ca, tăng lương tối thiểu từ 1-7, giảm giá điện nước…
Tại họp báo chiều 9-6 giới thiệu buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân, người lao động năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Kiên - phó trưởng Ban tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay ngày 12-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có buổi đối thoại với 4.500 công nhân tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu trên cả nước.
Theo ông Kiên, buổi đối thoại là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ. Từ đó, Thủ tướng lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu ra.
Ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay các tư lệnh ngành như bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Công thương… sẽ có mặt để lắng nghe và ghi nhận các vấn đề sát sườn của người lao động.
Sáng 12-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đi thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ và nhà ở xã hội ở tỉnh Bắc Giang.
Tổng liên đoàn Lao động là tổ chức đại diện cho người lao động nên tiếng nói của công nhân cũng là tiếng nói của Công đoàn và tiếng nói của Công đoàn cũng là tiếng nói của công nhân
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn Việt Nam đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề. V ề các câu hỏi nêu ra trong đối thoại, ông Hiểu cho biết người lao động mong muốn Thủ tướng tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng tạo niềm tin lâu dài và khắc phục rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đốc thúc hỗ trợ tiền thuê nhà, vấn đề nhà ở, trường học cho con, hỗ trợ tín dụng, đào tạo và nâng cao tay nghề, xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật, nợ lương, nợ bảo hiểm…
Cũng theo ông Hiểu, công nhân mong muốn được đào tạo và nâng cao tay nghề nhưng chưa có chính sách hỗ trợ đột phá, thắc mắc thời gian đi học nghề lúc nào, có gần nơi làm việc không? C ông nhân cũng mong muốn cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra bếp ăn, chợ.
"Nhiều người lao động có ước mơ là hình thành các điểm chợ ngay ở gần khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp đông công nhân. Chợ phải cố gắng họp đến giờ công nhân tan ca. Đây là câu chuyện đời thường gắn chặt với đời sống người lao động. Khi họ tăng ca thì chợ tan nên có người mua mì gói về ăn tạm", ông Hiểu nêu.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, đối thoại của Thủ tướng với công nhân là hoạt động định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật với công nhân lao động và tổ chức Công đoàn. Đây là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiểu hơn về cuộc sống công nhân lao động và giải quyết vấn đề bức xúc, quan tâm nhất. Chẳng hạn, giá điện đã giảm khi Thủ tướng đối thoại với công nhân Hà Nam.
Dịp này, Công đoàn Việt Nam thông báo chương trình Giờ thứ 9+ được phát sóng hằng tuần từ 15h - 15h45 chủ nhật hằng tuần trên VTV3. Theo nhà báo Tạ Bích Loan, chương trình sẽ có những câu chuyện, vấn đề trong thực tế cuộc sống của công nhân lao động như việc làm, an sinh xã hội… nhưng lại mang tính chất giải trí, vui vẻ.
Đó là 1 trong 9 nhóm kiến nghị vừa được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gửi tới Chính phủ trước thềm hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân về chủ đề công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước.