Gần 10.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư vú trong vòng một năm
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư vú do Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 12/8.
Hội nghị cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư vú với sự tham gia của gần 500 đại biểu trên khắp cả nước đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các tiến bộ, thành tựu khoa học trong lĩnh vực điều trị ung thư vú.
Các đại biểu tham dự đã được nghe báo cáo của các chuyên gia nước ngoài và các bệnh viện hàng đầu trong cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và một số bệnh viện khác.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng 600.000 người tử vong vì căn bệnh này.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có gần 183.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là gần 22.000 người, chiếm tỷ lệ 11,8%. Cũng trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 10.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
"Ngày nay, với sự tiến bộ của các phương thức chẩn đoán như siêu âm kết hợp chọc hút tế bào, XQ tuyến vú, MRI tuyến vú, giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, PET/CT... kết hợp với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, nội tiết, các thuốc điều trị đích, miễn dịch... đã kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh" - PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho hay.
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Hiện nay, ngoài các phương pháp tầm soát, chẩn đoán ung thư vú thông thường bao gồm siêu âm và chụp X-quang tuyến vú, chúng tôi đã và đang ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến khác trong sàng lọc, chẩn đoán như xét nghiệm gen BRCA1/2, siêu âm đàn hồi mô tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú 3D, chụp cộng hưởng từ tuyến vú, sinh thiết u vú có hỗ trợ hút chân không. Bên cạnh đó, còn có các phương pháp can thiệp hỗ trợ trong điều trị như đặt định vị kim dây, đặt marker định vị u vú dưới hướng dẫn của siêu âm, X-quang".
Ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.