Gần 1 triệu tài khoản vay tiền qua app của đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia: Người vay có thể bị xử lý hình sự

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 09:44:13

Ngoài bị xử phạt hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi trốn nợ khi vay tiền online, người vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, mức phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt từ từ 06 tháng tới 12 năm”, luật sư Hoàng Tùng thông tin.

Như đã thông tin, ngày 24/5, đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có gần 300 đối tượng tham gia bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá. Cơ quan công an đã xác định được các đối tượng cầm đầu, quản lý, điều hành đường dây, trong đó có đối tượng là người nước ngoài. Đường dây này hoạt động từ năm 2019, núp bóng công ty kinh doanh cầm đồ.

Nhiều đối tượng trong đường dây hoạt động tín dụng đen, đòi nợ bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố.

Nhóm đối tượng này sử dụng các app (ứng dụng) công nghệ cao để hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần truy cập vào 3 app vay tiền do nhóm của Vũ lập ra và đăng nhập bằng những thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…

Khi khách hàng chậm hoặc không trả tiền vay nợ, Vũ và đối tượng người Trung Quốc sẽ phân hồ sơ giao cho nhân viên để thu tiền. Đồng thời bị các đối tượng thu "lãi chồng lãi" lên tới hơn 2.000%/năm.

Các đối tượng đòi nợ sẽ nhắc nhở qua điện thoại, thậm chí lấy danh bạ của người vay để gọi, cắt ghép hình ảnh gửi cho người thân, bạn bè hoặc tung lên mạng xã hội để gây sức ép.

Cơ quan điều tra bước đầu làm rõ được tổng số tiền đường dây này cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 1 triệu tài khoản vay qua app của nhóm này.


Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) nêu quan điểm: "Với thời đại công nghệ số hiện nay, con người đã quá quen thuộc với sự ra đời của những app - ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu trong cuộc sống. Tất nhiên, sẽ có những ứng dụng hữu ích và ứng dụng độc hại.

Không thể phủ nhận hình thức cho vay tiền qua app đem đến sự thuận tiện và nhanh chóng cho những cá nhân có nhu cầu, nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi” khiến cho những cá nhân này, thậm chí là những cá nhân không có liên quan cũng bị ảnh hưởng tiêu cực".

Luật sư Hoàng Tùng trao đổi với PV Infonet về vụ việc.

Luật sư phân tích: "Theo bản chất, hình thức cho vay tiền qua app có thể chia ra hai trường hợp: các ứng dụng vay tiền đóng vai trò trung gian, làm cầu nối giữa cá nhân, tổ chức có nhu cầu cho vay và cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay; hoặc có thể ứng dụng vay tiền là hình thức hoạt động cho vay tiền của một tổ chức tín dụng hợp pháp.

Tùy theo bản chất sẽ có những quy định pháp luật điều chỉnh phù hợp. Đường dây trên núp bóng công ty kinh doanh cầm đồ, sử dụng các app để cho vay nặng lãi, tín dụng đen – đây không phải là một trong các hình thức của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010. Hoạt động cho vay tiền qua app của đường dây này sẽ thuộc điều chỉnh của pháp luật về giao dịch dân sự.

Về mức lãi suất cho phép khi thực hiện vay tiền hiện nay được dựa theo thỏa thuận của các bên nhưng không quá 20%/năm (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015). Còn nếu các app cho vay tiền thuộc các tổ chức tín dụng thì mức lãi suất sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên theo quy định của Luật tổ chức tín dụng 2010.

Đường dây trên với bản chất là công ty kinh doanh cầm đồ, không thuộc điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng 2010 nhưng lại có hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Do không phải tổ chức tín dụng nên lãi suất cho vay giữa đường dây này và các cá nhân cao nhất là 20%/năm.

Việc cho vay với mức lãi suất thực tế lên tới 2.000%/năm vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về giao dịch dân sự. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, nếu cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất (20%/năm) và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, với hành vi lấy danh bạ của người vay để gọi điện thoại làm phiền, cắt ghép hình ảnh gửi cho người thân hoặc bạn bè của người vay, đăng tải lên mạng xã hội để gây sức ép của đường dây này cũng sẽ bị xử phạt. Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng”.

“Về trách nhiệm của nhóm người vay tiền qua app của đường dây này, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng cho vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Dù là vay tiền trực tiếp hay vay tiền online, các bên cũng đã tham gia vào giao dịch dân sự và có thể có hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tiêu dùng (trực tiếp hoặc điện tử). Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền đã vay theo quy định tài khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự.

Việc trốn tránh hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu một người đến hạn trả nợ tiền vay của người khác, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.


Sông Yên

Chia sẻ Facebook