Gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng trong năm 2022

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 13:27:35

Lãnh đạo Hiệp hội IAV vừa cho biết có gần 1 triệu hợp đồng BHNT đã được bán qua kênh ngân hàng trong năm 2022, tổng phí khai thác mới gần 23.800 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khủng hoảng liên quan đến thị trường bảo hiểm, lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa cho biết có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong năm 2022, tổng phí khai thác mới tới gần 23.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho biết thống kê có hơn 3.000 đại lý bảo hiểm đã vi phạm quy định về tư vấn.

Gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife: Chuyển sang cơ quan điều tra

Nhiều người dân phản ánh nhân viên bán bảo hiểm tư vấn mập mờ, có dấu hiệu cố ý lừa dối khách hàng. (Ảnh chụp màn hình: Hanoionline/Facebook)


Tại buổi họp báo hôm 24/4 diễn ra ở TP.HCM, ông Ngô Trung Dũng – Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết năm 2022, đã có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã được bán qua kênh ngân hàng (bancassurance), chiếm tới 46% doanh số khai thác mới trong tất cả các kênh bán BHNT, báo Công thương đưa tin.

Hiệp hội IAV cho biết nếu tính luỹ kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng BHNT bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) với doanh số khai thác là 45.000 tỷ đồng.

Còn tính toàn thị trường đến cuối tháng 3/2023, có khoảng gần 13,7 triệu hợp đồng BHNT, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối 2022.

Theo giải thích của ông Dũng, có nhiều nguyên nhân khiến số hợp đồng giảm vào cuối tháng 3, do một số lượng hợp đồng đáo hạn và thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực giai đoạn vừa qua.


Trong khoảng 2-3 năm gần đây, nhiều người dân bức xúc với chất lượng tư vấn của doanh nghiệp BHNT, đặc biệt đối với kênh phân phối qua ngân hàng. Hàng loạt người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay. Nhiều khách hàng gần đây thậm chí phản ánh bị “lừa” từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, báo Vnexpress đưa tin.

Dù kênh bancassurance hứng chịu nhiều phản hồi tiêu cực trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên cho tới nay, doanh nghiệp và ngân hàng đều không công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng qua năm thứ hai và năm thứ ba.


Về góc độ Hiệp hội bảo hiểm, ông Dũng nói ủng hộ việc công khai chỉ tiêu này để giám sát thêm chất lượng tư vấn. “Giai đoạn vừa qua có thể được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất với ngành bảo hiểm trong lịch sử phát triển” , ông Dũng nói.

Ngân hàng bán bảo hiểm thu nghìn tỷ đồng, người dân tố bị lừa mua “tiết kiệm đầu tư”

Hơn 3.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm quy định về tư vấn


Theo lãnh đạo IAV, hiện có khoảng 730.000 đại lý chính thức BHNT gồm cả tổ chức và cá nhân. Trong năm 2022, khoảng 3.000 trường hợp bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực BHNT, theo báo Thanh Niên .

Trong đó có 14 lỗi, ví dụ như: tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, quảng cáo sai về doanh nghiệp BHNT… Một số trường hợp xử lý không được phép hành nghề, còn nhiều vụ lừa đảo thì chuyển cho cơ quan công an.

Vừa qua, sau khi có 34 người tố cáo thì sáng hôm 20/4, tiếp tục có hơn 100 người dân tập trung tại Công an TP.HCM để nộp đơn tố cáo sự việc bị lừa mua Bảo hiểm nhân thọ Manulife (Tâm an Đầu tư) thông qua Ngân hàng SCB.

Đa số người nộp đơn tố cáo đều chung tình cảnh gửi tiết kiệm tại ngân hàng và bị nhân viên ngân hàng tư vấn mua gói bảo hiểm bảo vệ sức khỏe có lãi giống như gửi tiết kiệm.

Trong đó, rất nhiều khách hàng là người cao tuổi không được tư vấn trung thực, đầy đủ từ đầu và trình độ hiểu biết hạn chế nên tin tưởng hoàn toàn vào người tư vấn.


Trọng Minh

Hơn 100 người dân đến Công an TP.HCM tố cáo bị lừa mua bảo hiểm Manulife

Sáng 20/4, nhiều người dân đến Công an TP.HCM để nộp đơn tố cáo bị lừa mua Bảo hiểm nhân thọ Manulife khi gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB.

Chia sẻ Facebook