Gạc Ma 35 năm: Chuyện mưu sinh và nhiệt huyết giữ biển đảo của hai cựu binh
Sau khi giải ngũ, các cựu binh Gạc Ma trở về đời thường với nỗi lo mưu sinh nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi niềm với biển đảo và không thể quên các đồng đội bị Trung Quốc bắn chết.
Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt
13 tháng 3 2023
Chụp lại hình ảnh,
Cựu binh Lê Văn Thoa (trái) cùng một vị khách tại quán Phở Gạc Ma Trường Sa của gia đình
Cựu binh Lê Minh Thoa và Trương Văn Hiền, hai trong những chiến sỹ may mắn sống sót sau cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc tại Gạc Ma, Trường Sa 35 năm trước, trò chuyện với BBC từ Quy Nhơn và Đăk Lắk.
Người bán phở, người phụ hồ
Ở Quy Nhơn nhiều người biết tới quán phở có cái tên độc đáo ' Phở Gạc Ma Trường S a '. Bên dưới tên quan còn có dòng ' Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam '.
Gạc Ma 35 năm nhìn lại: Với tân chủ tịch nước, VN có thay đổi gì trong chính sách?
"Nhưng nhiều người không biết Gạc Ma là gì, vào ăn phở thì hỏi tui sao lại đặt tên quán như vậy. Tui mới giải thích cho," ông Lê Minh Thoa nói với BBC từ Quy Nhơn.
Vẫn còn mảnh đạn trong đầu nên mỗi khi thời tiết chuyển mùa lại đau nhức, nhưng ông Thoa nói còn sống là may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống.
Chụp lại hình ảnh,
Gia đình cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa trước quán Phở Gạc Ma Trường Sa
Quán phở này là nguồn sống của cả đại gia đình ông Thoa chục năm nay. "Tôi nuôi cả bố mẹ, vợ con bằng quán phở này," ông nói.
Đời sống gia đình nhờ quán phở mà thoát cảnh đói khổ như trước, khi ông lăn lộn ở Sài Gòn làm thuê đủ thứ nghề. Nay ông Thoa có thể mỗi năm đi gặp gỡ đồng đội dịp kỷ niệm Gạc Ma và các sự kiện biển đảo khác.
"Sự kiện nào về biển đảo mà gặp gỡ được anh em đồng đội tôi cũng đi hết, đi từ bắc chí nam. Năm nào cũng đi," ông Thoa chia sẻ.
Không được sung túc như ông Thoa, cựu binh Trương Văn Hiềnnói với BBC từ Đăk Lắk rằng cuộc sống của ông vẫn 'khó khăn lắm'. Năm nay đồng đội Gạc Ma dự định gặp gỡ ở Phú Yên, nhưng ông nói không biết có đủ tiền để đi không.
Chụp lại hình ảnh, Cựu binh Trương Văn Hiền thời mới nhập ngũ
Sau sự kiện Gạc Ma gày 14/3/1988, ông Hiền bị quân đội Trung Quốc bắt làm tù binh bốn năm. Ngay sau khi trở về Việt Nam, ông xuất ngũ. Từ đó ai thuê gì làm nấy, ông lang bạt từ quê nhà Hà Tĩnh vào Đắk Lắk kiếm sống, rồi lấy vợ, sinh con.
Nay ông Hiền mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Công việc bấp bênh lúc có lúc không, những ông vẫn là lao động chính của cả gia đình do vợ đau yếu.
"Sau sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan 981 đến Trường Sa, báo chí mới đi tìm nhân chứng và biết đến chúng tôi. Nhờ đó các nhà hảo tâm mới giúp đỡ tôi xây lại nhà. Bây giờ nhà cửa thì không phải lo rồi dù còn chật vật lắm,' ông Hiền cho hay.
Họ đã sống sót ở Gạc Ma như thế nào?
Chiều 13/3/1988, chiến sỹ Lê Minh Thoa cùng đồng đội neo tàu cách đá Gạc Ma khoảng 500m, chờ thủy chiều xuống thì mang dụng cụ xây dựng lên đảo. Khi thủy chiều rút, anh em chiến sỹ lên tàu dọn dẹp vệ sinh. Khi đó, tàu Trung Quốc đi một vòng quanh đó, phát loa kêu "Đây là lãnh thổ của Trung Quốc, đề nghị Việt Nam rời đi!"
"Bộ đội Việt Nam vẫn tiếp tục công việc dọn dẹp trên đảo, không phản ứng, vì đây là ‚đảo của mình," ông Thoa kể lại.
Đêm đến, bộ đội Việt Nam lên đảo cắm cờ rồi rút về tàu, dự định sáng sớm 14/3 thì đưa vật liệu lên đảo để xây dựng.
Chụp lại hình ảnh,
Cựu binh Lê Văn Đông cùng các đồng đội trong ngày họp mặt tại Sài Gòn
"Nhưng sáng sớm 14/3, tàu Trung Quốc đến. Hai bên giằng co lá cờ. Phía Việt Nam cắm xuống thì Trung Quốc giật lên, ông Thoa thuật lại.
"Quân Trung Quốc trang bị AK, súng, pháo hai nòng và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Khi đó phía Việt Nam chỉ huy nói 'các đồng chí sẵn sàng chiến đấu nhưng không được nổ súng trước".
"Ngay sau đó, quân Trung Quốc đâm gục đồng chí Phương (Thiếu úy Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma). Hai bên nổ súng.
"Tàu Trung Quốc bắn pháo như mưa về phía tàu Việt Nam khiến tàu Việt Nam chìm trong vòng 15-20 phút."
Chụp lại hình ảnh,
Cựu binh Trương Văn Hiền (hàng thứ hai, đầu tiên, trái) cùng các đồng đội
Ông Thoa, khi đó là một chiến sỹ 20 tuổi, bị thương và bị bỏng ở lưng, khi ngoi lên được mặt nước thì thấy các đồng đội của mình cũng ngoi ngóp trên mặt nước. Trung Quốc cho thả ca nô xuống bắn vào những người còn sống 'rất dã man'.
Riêng ông Thoa khi đó bám vào hai quả bí ngòi xanh nổi lềnh bềnh gần đó, lênh đênh trên biển tới 5 giờ chiều thì một tàu Trung Quốc phát hiện, kéo lêu tàu làm tù binh.
"Khi bị bắt lên tàu, tôi bị đánh đập tới ngất xỉu. Khi tỉnh lại thì thấy đang bị trói gô cùng 8 đồng đội khác."
Ông Thoa ở tù tại Trung Quốc gần 4 năm cho tới khi được trao trả cho chính phủ Việt Nam.
Cựu binh Hiền cũng thoát chết nhờ bám vào mảnh gỗ từ con tàu chìm dù bị thương. Tới chiều tối thì tàu Trung Quốc phát hiện và bắt, sau đó đưa ông vào bệnh viện mổ lấy mảnh đạn pháo ra, sau đó nhốt vào trại.
"Ra đảo được một đêm thì sáng ra bị Trung Quốc đánh. Bộ đội mình đâu có nghĩ đi để đánh nhau, chỉ ra đó để xây dựng và bảo vệ đảo nên không mang theo súng ống gì mà chỉ có cuốc, xẻng. Thanh nhiên như tôi được đi ra đảo là một vinh dự, ước mơ từ nhỏ... Đoàn công binh của tôi có 4 người thì 2 người hi sinh."
"Lúc trôi trên biển, tôi xác định là đã chết. Lúc bị Trung Quốc bắt, tôi cũng xác định chết. Những năm lao động khổ sai cho Trung Quốc tôi đã nghĩ là mình chết. Nên nay còn sống trở về với tôi đã là may mắn quá lớn," ông Hiền nói với BBC.
Mong mỏi
Do cuộc sống kinh tế khó khăn, khi được hỏi về mong muốn cá nhân, ông Hiền cho hay mong được chính quyền xét cho chế độ thương binh. Dù ông thương tật nhưng không làm được chứng nhận thương binh do giấy tờ qua nhiều năm lưu lạc đã mất hết.
Bên cạnh đó, ông Hiền nói rằng ông không đòi hỏi phụ cấp gì về tài chính cho bản thân, nhưng nếu các cấp chính quyền quan tâm hơn tới những liệt sỹ, cựu binh Gạc Ma bằng cách thăm hỏi, động viên vào những dịp như lễ tết hay kỷ niệm sự kiện Gạc Ma thì sẽ là nguồn khích lệ tinh thần cho gia đình những người đã hy sinh xương máu bảo vệ biển đảo quê hương.
Hiện nay, việc giao lưu gặp gỡ kỷ niệm sự kiện Gạc Ma hàng năm đều do các cựu binh tự tổ chức chứ chưa thấy sự thăm hỏi hay hoạt động gì từ chính quyền địa phương.
Ông Hiền cũng mong sự kiện này được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho các thế hệ sau vì có những bạn trẻ 'hoàn toàn không biết gì đến Gạc Ma'.
Đây cũng là mong muốn của cựu binh Lê Minh Thoa - ông chủ quán phở Gạc Ma đã khiến nhiều khách thắc mắc hỏi 'tên đó có nghĩa là gì'.
Ông Thoa nói rằng ông mong chính phủ và chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa tới các cựu binh từng sống ngoài đảo vì họ rất khổ cực.
"Những ngày lễ cũng nên quan tâm tới họ một chút. Như thế các thế hệ sau nhìn vào sẽ được noi gương và thấy đươc nhà nước đã quan tâm đến các chiến sỹ giữ gìn biển đảo như thế nào."
Năm nào đến ngày 13/4, cả ông Hiền và Thoa đều bùi ngùi.
Riêng ông Thoa, dù vẫn 'rất buồn' khi nhớ về các đồng đội hy sinh dưới họng súng Trung Quốc, nhưng vẫn quyết ủng hộ con trai theo nghiệp quân sự của bố.
"Con trai tôi năm nay lớp 12. Con nói muốn giống bố, theo con đường của bố, phục vụ trong quân đội. Thanh niên là phải như vậy, là có nghĩa vụ với đất nước. Ngày xưa 17 tuổi tôi đã xin đi bộ đội rồi…!"
Lưu lại audio,
Đại tá Phạm Hữu Thắng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nói về trận Gạc Ma và tưởng niệm.