“Gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp thời 4.0
Mua bán online đã thành xu thế của thời đại, Livestream bán hàng trở nên quen thuộc, giúp nhiều doanh nghiệp phát triển kinh doanh nhảy vọt trong cuộc đua gay cấn.
Lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng
Không chỉ chợ truyền thống, câu hỏi về thích ứng với xu hướng mua sắm trực tuyến cùng các phương thức bán hàng mới nổi trên thị trường cũng là điều đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh sức mua giảm.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công ty hiện đang bán hàng trên nhiều kênh trực tiếp kết hợp với trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hoặc website của công ty.
Năm 2023, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng truyền thống và một số thị trường xuất khẩu của Việt Thắng Jean giảm nhẹ nhưng doanh thu bán hàng trực tuyến lại tăng 25 - 30% so với năm 2022.
Tương tự, sau khi thị trường xuất khẩu liên tục bị sụt giảm do khó khăn kinh tế chung, nhà sản xuất cà phê nông sản Meet More tăng cường mở rộng thị trường nội địa qua kênh phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, hiện kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng như bán online và gần đây là livestream đã chiếm hơn 50% tổng doanh số Meet More.
“Qua kênh bán hàng này, chúng tôi còn giới thiệu được thương hiệu và chi tiết sản phẩm đến người dùng một cách gần gũi hơn mà lại ít tốn kém”, ông Luận cho biết.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Sông Hương Food chia sẻ, nhờ bán hàng livestream nên doanh nghiệp của ông đã chốt được đơn hàng với số lượng lớn, có ngày lên tới gần 800 đơn, cho doanh thu hơn 46 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng lớn, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ba Huân cũng dự kiến mở rộng kênh bán hàng trực tuyến để đón đầu xu thế và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng cho biết thay vì chỉ dựa vào kênh phân phối siêu thị hay các đại lý bán lẻ, cửa hàng, giờ đây họ tăng cường bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng qua kênh thương mại điện tử, livestream.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kido, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến của Kido chiếm gần 70%.
“Trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale... hay khi các nền tảng tung ra mã khuyến mại hay voucher thì đều có lợi cho người tiêu dùng”, ông Trần Lệ Nguyên nói.
Những trải nghiệm mua sắm trực tuyến cùng với khả năng dễ dàng đổi trả sản phẩm, thông tin và chất lượng sản phẩm chính xác cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt… đã thúc đẩy hành vi mua sắm online, giúp người tiêu dùng cắt giảm được nhiều chi phí.
Các nhà bán hàng, doanh nghiệp đang nỗ lực nắm bắt nhanh hơn xu hướng và chú trọng đến hình thức livestream để có kết nối chân thực hơn với người tiêu dùng. Tương tự, nhà sản xuất giày dép Biti’s vẫn duy trì hơn 200 cửa hàng tự doanh, bên cạnh khoảng 700 đại lý bán lẻ trên toàn quốc.
“Không chỉ bán hàng, các cửa hàng tự doanh là sự hiện diện và tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng của Biti’s. Để gia tăng lượng bán hàng cũng như tiếp xúc nhiều hơn nữa với khách hàng, chúng tôi không ngừng cập nhật và mở rộng kênh bán hàng mới. Khách hàng hiện diện ở đâu chúng tôi có mặt ở đó”, bà Vưu Lệ Quyên, CEO Công ty Biti’s cho hay.
Hợp tác phát triển, đón đầu xu hướng
Bà Lê Minh Trang, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ cho biết, năm 2024 nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại điện tử.
“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người tiêu dùng đánh giá về các sản phẩm thiết yếu hay không thiết yếu đều có mức tăng giá đáng kể. Do đó, cách để người tiêu dùng ứng phó với sự gia tăng chi phí, đó chính là thực hiện mua sắm trực tuyến, với hi vọng có thể tận dụng được những ưu đãi tốt hơn”, bà Trang cho biết.
Một điểm lợi thế trong mua sắm online đó là đã có 95% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến thông qua hình thức livestream trong vòng 3 tháng đầu năm 2024. Đây đang là một xu hướng “bùng nổ” trong các nền tảng mua sắm online, giúp cho các nhà bán hàng nâng cao giá trị.
Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng dễ dàng tương tác với người bán về thông tin chất lượng sản phẩm. Điều này hóa giải mối lo ngại cũng như rào cản lớn nhất của người tiêu dùng mỗi khi muốn tiếp cận với mua sắm trực tuyến.
Có thể thấy, sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến đã phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp và tiểu thương.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam, từ khi Alibaba vào Việt Nam, tập đoàn đã hỗ trợ khoảng 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các sản phẩm ở hơn 40 ngành hàng lớn.
Trong đó, 6 nhóm hàng được ưu tiên là nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, nội thất, quà tặng và hàng thủ công, quần áo và phụ kiện, thiết bị và vật tư y tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn thành công trong kinh doanh online, cần có sự khác biệt để thu hút khách. Người kinh doanh phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành.
Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng rất dễ dàng tương tác với người bán.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các tiểu thương đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, ông Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách quan hệ Chính phủ Công ty TikTok Việt Nam cho biết, trong năm nay, TikTok triển khai 6 chương trình tập huấn tại các vùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, công ty có các chuyên gia TikTok, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng chia sẻ về cách làm nội dung, quay video, livestream bán hàng...
Phương hướng của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số; hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, bán hàng livestream. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường…
Dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại, giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa.
Phổ biến pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Giám đốc công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật thì hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 sắp hết hiệu lực.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sắp hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định rõ tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức như thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án.
Nghị định số 98/2020 cũng như các văn bản có liên quan đã góp phần phát huy bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mua hàng livestream, giúp cho người tiêu dùng có sự an tâm khi mua hàng.
Đồng thời cũng cải thiện tình hình tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động thương mại đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và giúp cho hoạt động mua bán hàng livestream được phát triển bùng nổ trong thời gian ngắn vừa qua.
Thời điểm hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động livestream bán hàng vẫn đang được các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu xây dựng nên rào cản pháp lý là không rõ ràng.
“Việc chưa đặt ra điều kiện phải đăng ký đối với việc livestream bán hàng nên hiện nay doanh nghiệp hoặc bất kỳ người nào cũng đều có thể phát livestream để bán hàng mà không phải chịu sự kiểm soát hay quản lý từ chủ thể nào. Những cá nhân không có đăng ký kinh doanh, không nộp thuế cũng có thể vô tư bán hàng qua livestream, vô hình chung đây có thể được xem là rào cản đối với doanh nghiệp”, luật sư Nhật nhận định.
Chuyên gia pháp lý nêu quan điểm, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên sóng truyền hình, mạng xã hội… để giúp người tiêu dùng hiểu các quy định pháp luật và biết các tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi mua hàng qua livestream.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện các sai phạm của các doanh nghiệp bán hàng hàng qua livestream và có biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.