G7 sẽ ký kết hiệp ước an ninh song phương dài hạn với Ukraine
Mục tiêu là xây dựng một Ukraine có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Putin và trả lại hòa bình cho châu Âu.
Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại thủ đô Vilnius của Litva để thống nhất về các nguyên tắc chung đảm bảo an ninh cho Ukraine, theo một tuyên bố được Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra hôm 12/7.
Thông báo của G7 được đưa ra sau khi NATO cho biết Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng” – một tuyên bố mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky coi là sự hoãn binh “vô lý”.
Kiev chấp nhận không thể gia nhập NATO khi đang có xung đột với Nga nhưng muốn gia nhập càng sớm càng tốt sau khi giao tranh kết thúc.
Phát biểu trước công chúng ở thủ đô Litva hôm 11/7, ông Zelensky nói: “NATO sẽ mang lại an ninh cho Ukraine – Ukraine sẽ làm cho liên minh mạnh mẽ hơn”.
Trong khi lời mời gia nhập NATO vẫn chưa được thảo luận trong năm nay đối với Ukraine, vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh đang diễn ra ở Litva, G7 sẽ đưa ra một tuyên bố chung về cung cấp an ninh lâu dài cho Ukraine, được gọi là “Nato-lite”.
“Một khuôn khổ quốc tế quan trọng về các thỏa thuận an ninh dài hạn cho Ukraine dự kiến sẽ được các đối tác G7 nhất trí bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7”, tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh (số 10 Phố Downing) cho biết.
“Tuyên bố chung, dự kiến sẽ được tất cả các thành viên của G7 ký kết, sẽ đưa ra cách các đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraine trong những năm tới để chấm dứt cuộc chiến, ngăn chặn và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai”.
Theo Văn phòng Thủ tướng Vương quốc Anh, đây là lần đầu tiên nhiều quốc gia như vậy đồng ý với một quốc gia khác về một thỏa thuận an ninh dài hạn toàn diện kiểu này.
Sau khi đại diện của Vương quốc Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản ký kết tuyên bố chung, các đối tác “sẽ cung cấp thêm thiết bị quốc phòng, tăng cường và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin tình báo, tăng cường hỗ trợ đối phó các mối đe dọa mạng và hỗn hợp, mở rộng các chương trình huấn luyện và tập trận quân sự, đồng thời phát triển cơ sở công nghiệp của Ukraine”.
“Hỗ trợ tiến trình của họ trên con đường trở thành thành viên NATO, cùng với các thỏa thuận chính thức, đa phương và song phương cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên NATO, sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Putin và trả lại hòa bình cho châu Âu”, tuyên bố cho biết, dẫn lời Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tuyên bố cũng cho biết, trong khuôn khổ gói viện trợ mới dành cho chính quyền Kiev, London sẽ cung cấp cho Ukraine thêm phương tiện chiến đấu và hàng nghìn viên đạn dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2.
“Ngoài công việc trong một hiệp ước an ninh song phương dài hạn, Vương quốc Anh sẽ cung cấp hơn 70 phương tiện chiến đấu và hậu cần cho Ukraine, bao gồm cả xe CVRT. Các phương tiện của Quân đội Anh sẽ được tặng cho Ukraine để đảm bảo lực lượng tiền tuyến có đủ phương tiện để mang theo đạn dược và thiết bị quan trọng, sơ tán binh lính bị thương và thu hồi các phương tiện bị hư hỏng, góp phần quan trọng vào cuộc phản công của Ukraine”, tuyên bố cho biết.
Bên cạnh đó, hàng nghìn viên đạn Challenger 2 bổ sung cũng sẽ được chuyển nga y tới Ukraine như một phần của gói viện trợ. Ngoài ra, 50 triệu Bảng Anh sẽ được cung cấp để duy trì các thiết bị được cung cấp trước đó.
Văn phòng Thủ tướng Anh cũng thông báo rằng Vương quốc Anh sẽ khởi động một dự án thông qua NATO để thành lập một trung tâm phục hồi y tế cho các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine. Cơ sở này sẽ được kết hợp với cơ sở hàng đầu thế giới Stanford Hall của Vương quốc Anh.
“Chương trình sẽ được tài trợ thông qua Gói hỗ trợ toàn diện của NATO cho Ukraine và được hỗ trợ bởi các chuyên gia phục hồi chức năng từ khắp liên minh”, tuyên bố cho biết .
Minh Đức (Theo TASS, Saudi Gazette, Yahoo!News)