G20: Xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm yếu kém của nền kinh tế toàn cầu
Chiều 16/11, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thông qua Tuyên bố Lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh tới các giải pháp tiền tệ cũng như ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Về vấn đề kinh tế, Tuyên bố Lãnh đạo G20 nhấn mạnh, các ngân hàng trung ương G20 đang theo dõi chặt chẽ tác động của áp lực giá đối với kỳ vọng lạm phát và sẽ tiếp tục điều chỉnh một cách thích hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định cam kết tránh biến động tỷ giá hối đoái quá mức khi có "nhiều loại tiền tệ đã biến động đáng kể" trong năm nay.
Các ngân hàng trung ương cũng sẽ lưu tâm đến sự cần thiết phải hạn chế hiệu ứng lan tỏa, làm tăng thêm mối lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về tác động mà các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ có thể gây ra đối với thị trường của họ. Tuyên bố khẳng định, sự độc lập của ngân hàng trung ương là rất quan trọng để đạt được những mục tiêu này và củng cố uy tín của chính sách tiền tệ.
Liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine , Tuyên bố nhấn mạnh, có một số quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, nhưng hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraine, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được, đồng thời hoan nghênh Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen.
Tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thách thức an ninh lương thực, ngày càng trầm trọng hơn do căng thẳng và xung đột gần đây. Các nước G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để chống đói nghèo, đặc biệt ở những nước đang phát triển. G20 cũng kêu gọi sự chuyển dịch nhanh chóng hướng tới nền nông nghiệp, hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.
G20 hoan nghênh việc ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc về thúc đẩy các sản phẩm lương thực, phân bón của Nga ra thị trường thế giới, việc phân bố không gián đoạn các sản phẩm lương thực.
Ngoài việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhấn mạnh rằng cuộc chiến này đang gây ra đau khổ cho nhiều người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo kêu gọi cần duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương để bảo vệ hòa bình và ổn định, đồng thời khẳng định rằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, theo đó khẳng định nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là “rất quan trọng”. Tài liệu này khẳng định rằng thời đại ngày nay không có chỗ cho chiến tranh.
Tại các cuộc thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G20 , các nhà lãnh đạo nhắc lại lập trường quốc gia tại các diễn đàn khác như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và Đại hội đồng LHQ, trong đó Nghị quyết số ES-11/1 ngày 2/3/2022, được thông qua theo đa số phiếu lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất về hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và yêu cầu Moscow rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tuyên bố chung cũng cho rằng điều quan trọng là tuân thủ luật pháp quốc tế, hệ thống đa phương vốn đang bảo vệ nền hòa bình và sự ổn định.
Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại Indonesia Với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn", Hội nghị thượng đỉnh G20 đã chính thức khai mạc tại Bali, Indonesia.