Founder & CEO JobHopin: Nhà sáng lập nên để ý đến những chỉ số gì của doanh nghiệp khi muốn đi gọi vốn?

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 15:21:14

Theo Kevin Tùng Nguyễn - Founder & CEO JobHopin, có 4 chỉ số của doanh nghiệp mà các Nhà sáng lập nên để ý kỹ: Tăng trưởng hàng năm, Biên lợi nhuận gộp, Chi phí để có được một khách hàng và Chi phí bỏ ra - lợi nhuận thu lại. Hai chỉ tiêu đầu tiên phải lớn hơn 50%, chỉ tiêu thứ 3 phải hòa vốn tối đa sau 12 tháng… thì mới có cơ may thu hút nhà đầu tư.


Sau đây là bài viết của Kevin Tùng Nguyễn - Founder & CEO JobHopin về những con số tài chính trong doanh nghiệp mà các Nhà sáng lập hoặc lãnh đạo startup cần biết và nâng cao trước khi đi gọi vốn.

Để startup mở rộng nhanh (scale up), câu chuyện sống còn muôn thuở khi nào cũng xoay quanh thử thách đầu tiên là "tiền đâu?". Không có vốn mạnh thì sao mà tuyển người tài, mà thử nghiệm nhiều chiến lược để tìm được sản phẩm phù hợp với thị trường - product market fit, phải không? Thất bại khi gọi vốn là lý do hàng đầu khiến cho ước mơ startup có cánh mà bay cũng không nổi…!

Nền kinh tế toàn cầu đang biến động quá chừng, đương nhiên điều này khiến các Nhà sáng lập của các dự án khởi nghiệp cũng phải lo điều chỉnh chiến lược gọi vốn. Dù có nhiều startup đang trên đà phát triển tốt, tôi thấy mọi người vẫn nên hết sức thận trọng ở thời điểm này.

Thậm chí, việc gọi được quá nhiều vốn trong khi tăng trưởng không tương xứng có khi cũng nguy hiểm không kém là không gọi được vốn!

Trong một buổi họp Ban lãnh đạo (BOD) gần đây với các nhà đầu tư của JobHopin, gồm: KKFund, Translink và CEO sáng lập của HSC, mọi người đã cùng bàn về ‘chìa khóa’ gọi vốn thành công của các startup vòng sau.

Công thức vàng ở thời điểm này là vừa phải tăng trưởng nhanh vừa phải biết sử dụng vốn một cách thông minh. Ngược lại, nếu một startup tăng trưởng thì khiêm tốn, mà lại "đốt" vốn quá nhanh, sẽ ngay lập tức gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các quỹ tự tin mạnh tay rót vốn tiếp.

Hiện có 4 chỉ số quan trọng mà các Founder cần phải xem lại trong thời gian này nếu muốn đi gọi vốn và có cơ may thành công


Tăng trưởng hàng năm (YoY Growth) > 50%: Đương nhiên, tăng trường thì phải bền vững, thay vì tăng trưởng bằng mọi giá thì startup vẫn phải đi kèm thêm với những chỉ số khác.


Biên lợi nhuận gộp (Gross Margin) > 50% : Có những startup thậm chí gặp phải vấn đề lợi nhuận âm, chi phí còn lớn hơn doanh thu. Như vậy thì startup chắc chắn không thể phát triển một cách khỏe mạnh được rồi.


Chi phí để có được một khách hàng (CAC) phải hòa vốn dưới 12 tháng: Tôi thấy startup rất dễ mắc phải lỗi chi quá nhiều tiền vào việc marketing, mà không để ý tới hiệu quả mà nó đem lại.

Không phải cứ cắm đầu vào làm, đốt tiền là được việc! Ví dụ: đầu năm kế hoạch như vậy rồi, đặt bảng quảng cáo - billboard mới ở chỗ đó quá hoành tráng…; và cắm đầu theo tư vấn của đối tác truyền thông – PR Agency, thì mọi chuyện sẽ ổn.

Theo tôi, startup cần tối ưu hóa CAC sao cho phần chi phí này được hòa vốn trong vòng nhiều nhất là 1 năm.


Chi phí bỏ ra < lợi nhuận thu lại (Burn Multiple) < 2: Đương nhiên phải chi thì mới có phát triển, nhưng chi 1 đồng thì phải đem lại 1 đồng lợi nhuận ròng. Startup nào gọi được vốn xong lo chi mạnh tay quá nhưng doanh thu "tệ", cụ thể là multiple > 2 thì hãy nghiêm túc chỉnh đốn lại nhé.

Dù ‘Mùa hè lạnh’ hay ‘mùa đông nóng’, quan trọng nhất, các Founder không được quên những điều cơ bản như: đem đến sản phẩm có giá trị cho người dùng – xã hội và từng bước phát triển bền vững. Nắm chắc những chỉ số này trong tay, là ta đã hơn phân nửa phần sống sót qua mùa đông, thu hút các quỹ xếp hàng ngỏ lời rót (thêm) vốn rồi đó!


Quỳnh Như

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook