FMC: Ước tính lợi nhuận quý 1 tăng 40%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) diễn ra ngày 15/04, Đại diện Công ty chia sẻ, các chỉ tiêu đều tăng trưởng khả quan trong quý đầu năm. Trong đó, tôm chế biến tăng 60%, nông sản chế biến tăng 126%, doanh số tăng 39% và lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ.
FMC: Ước tính lợi nhuận quý 1 tăng 40%.
Tình hình kinh doanh của FMC qua các quý | ||
Trong năm 2022, FMC dự kiến đem về 5,290 tỷ đồng tổng doanh thu và 320 tỷ đồng lãi trước thuế (tăng gần 11% so với năm trước) trong năm 2022. Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm này cũng đặt mục tiêu tỷ lệ tự chủ 20%-30% nhu cầu nguyên liệu.
Ngoài ra, Công ty cũng đặt mục tiêu sản lượng nông sản chế biến cao gần gấp đôi năm trước, đạt 2,200 tấn. Nông sản tăng này là nông sản phối chế thủy sản, là mặt hàng có ưu thế cạnh tranh vì gần như chưa có đối thủ. FMC hy vọng năm 2023 mảng này sẽ thể hiện rõ ràng vị thế trong hoạt động của công ty thành viên Khang An (KAF). Về phía KAF, cuối tháng 4, đơn vị sẽ xuất lô hàng đầu tiên mặt hàng mới vào Mỹ.
Dự kiến tăng vùng nuôi tôm lên 320 hecta
Theo kế hoạch, FMC sẽ đưa thêm 52 hecta vùng nuôi tôm của KAF vào khai thác trong 6 tháng cuối năm 2022. Khi đó, diện tích vùng nuôi tôm sẽ tăng lên 320 hecta. Tùy kết quả nuôi hàng năm, diện tích này có thể đáp ứng 20-30% nhu cầu nguyên liệu.
Về tiến độ của nhà 2 máy mới, nhà máy Tâm An đã đi vào hoạt động trong quý 1 và Nhà máy Sao Ta dự kiến hoàn thành trong quý 3. Công ty nhận định khó khăn hiện tại là tìm công nhân lành nghề. Giai đoạn đầu, chắc chắn khai thác công suất chưa cao, năng suất chưa cao. Nhà máy cũ đã lấp đầy công suất. Do đó, sản lượng dự kiến sẽ tăng từ 2 nhà máy mới này.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo FMC cũng cho biết, chi phí thuê container xuất hàng sang tất cả các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật, Úc, Hàn Quốc… đã và đang tăng rất cao, dự đoán khoảng 2 năm mới phục hồi.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề hiện nay thuế chống bán phá giá vào Mỹ của FMC bằng 0%, liệu có cơ hội nào để FMC ra khỏi danh sách xem xét chống bán phá giá vào Mỹ như CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC ) không?, đại diện FMC cho hay: “ Tiến trình để đưa ra khỏi danh sách xem xét thuế chống bán phá giá vào Mỹ kéo dài thời gian, thủ tục phức tạp và đòi hỏi phải có tiềm lực về kinh tế. MPC xem Mỹ là thị trường trọng điểm lớn nhất nên chấp nhận theo đuổi tiến trình và đạt kết quả. Tuy nhiên, đối với FMC thì Mỹ chỉ đứng thứ 3 trong cơ cấu xuất khẩu và mức thuế bán tại Mỹ cũng đã đạt 0%. Sau khi cân nhắc, công ty quyết định tập trung nguồn lực cho 2 thị trường lớn nhất của mình thay vì theo đuổi tiến trình đưa tên ra khỏi danh sách xem xét thuế chống bán phá giá vào Mỹ ”.
Trên thị trường, giá cổ phiếu FMC hiện đang giao dịch quanh mốc 72,600 đồng/cp (14h phiên 19/04), đây cũng là vùng giá cao kỷ lục mà đơn vị thiết lập được từ khi chào sàn (07/12/2006). So với mức giá đầu năm 2022, cổ phiếu FMC đã tăng gần 40%.
Diễn biến giá cổ phiếu FMC từ đầu năm 2022 đến nay | ||
* FMC: Doanh số tiêu thụ tháng 3 tăng 6%
Tiên Tiên